Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Quốc Việt
Mở đầu phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về kết quả thực hiện giải quyết khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến tháng 8 năm 2023. Vấn đề quan trọng là phải tìm được ra những nút thắt để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn một cách thực chất.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để các dự án sớm hoàn thành, đưa vào sản xuất, kinh doanh; rà soát, xử lý 3 dự án chậm tiến độ kéo dài, không có khả năng thực hiện; đưa 5/11 dự án sản xuất công nghiệp đi vào sản xuất trong năm 2023. Thu ngân sách 8 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 1.576 tỷ đồng, bằng 49% dự toán; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,8% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Quốc Việt
Báo cáo cũng chỉ rõ 1 số hạn chế đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công. Đó là, tiến độ triển khai thực hiện 1 số dự án ngoài ngân sách chậm; 1 số khoản thu thực hiện thấp so với dự toán giao ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ chi và khả năng cân đối ngân sách địa phương; công tác giải phóng mặt bằng tái định cư chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chậm...
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiến độ thực hiện các dự án như: Giá nguyên vật liệu tăng cao, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, việc lập thủ tục, hồ sơ dự toán các dự án mất nhiều thời gian, một số công trình, dự án khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh đầu điểm, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo báo cáo kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quốc Việt
Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách của tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Riêng về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh ta đang thấp hơn bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do người đứng đầu các đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ...
Sức ép từ nay đến cuối năm là rất lớn, đồng chí Chủ tịch UBND yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ; tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư của tỉnh phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, giám sát, kiểm tra chặt chẽ các dự án để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trên cơ sở đó có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đồng thời dứt điểm các dự án chậm tiến độ kéo dài, không có khả năng thực hiện; quản lý tốt thị trường nguyên vật liệu xây dựng hạn chế ảnh hưởng đến các dự án... Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện.
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quốc Việt
Về thu ngân sách, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế đẩy nhanh tiến độ các khoản thu giãn hoãn thuế, thu đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo kế hoạch đề ra... Sở Tài nguyên và Môi trường, sớm xác định giá đất cụ thể đối với những dự án cho cấp đất, cho thuê đất; tham mưu cho UBND tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất cấp huyện, giai đoạn 2021-2030 tạo thuận lợi cho các dự án được triển khai.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt hiện nay là Lễ hội thành Tuyên đã bắt đầu, lượng du khách đổ về Tuyên Quang tăng đột biến. Do đó, thành phố Tuyên Quang, các ngành chức năng đảm bảo an toàn mọi mặt cho người dân, du khách. Về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo việc phục vụ tốt cho công tác dạy và học.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tuyển chức danh lãnh đạo đảm bảo phù hợp
Cũng trong phiên họp, các đại biểu đã nghe Sở Nội vụ báo cáo dự thảo Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2025-2030; kết quả Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 và Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị giai đoạn 2023-2025.
Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, tỉnh Tuyên Quang có 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp bao gồm: Hồng Lạc, Vân Sơn (Sơn Dương) do không đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích và 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
Thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 đã đảm bảo tính công khai minh bạch, lựa chọn được những người có đủ năng lực phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2021-2022, đã có 41 cá nhân trúng tuyển đảm nhận chức danh lãnh đạo quản lý các sở ngành. Tuy nhiên việc thực hiện thi tuyển vẫn còn có mặt hạn chế. Đó là gây áp lực cho người thuộc diện thi tuyển, dẫn đến nhiều cá nhân đủ điều kiện lại xin hoãn thi.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành dự phiên họp. Ảnh: Quốc Việt
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị, trên cơ sở đánh giá ưu điểm, nhược điểm của Đề án thí điểm, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh 1 số các quy định khắc phục những tồn tại, hạn chế đảm bảo cho Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị, giai đoạn 2023-2025 phù hợp với điều kiện thực tế, lựa chọn được những người có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện đảm nhận các chức vụ quan trọng.
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Sở Nội vụ đánh giá kỹ lưỡng việc sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo đúng chủ trương của Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh. Về 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là xã Hồng Lạc và Vân Sơn (Sơn Dương), Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp hoàn thiện báo cáo trình thường trực Tỉnh ủy xem xét trước khi ban hành kế hoạch.
Trong phiên họp các đại biểu đã thảo luận các nội dung: Tổ chức lại hoạt động của Quỹ phát triển đất tỉnh Tuyên Quang; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hộp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản; kế hoạch thực hiện quyết định số 820/QĐ –TTg ngày 10-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận chủ trương đấu tư dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm- Tuyên Quang.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dự án khu đô thị Mỹ Lâm - Tuyên Quang là siêu dự án trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này với quy mô 540,25 ha, hứa hẹn sẽ mang lại sự đổi thay lớn cho tỉnh song cũng liên quan đến rất nhiều các thủ tục pháp lý. Để đảm bảo dự án sớm đi vào thực hiện, các cơ quan liên quan phải phối hợp thực hiện và có lộ trình, kế hoạch cụ thể, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề tái định cư, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có kịch bản trong việc thu hút nhà đầu tư...
Đối với một số nội dung như dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung phương án quản lý rừng bền vững của Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang; kế hoạch thiết lập điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... các đại biểu đóng góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản.
Gửi phản hồi
In bài viết