Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ trì cuộc họp.
Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” đề ra mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang xây dựng được 1 trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng suất rừng trồng, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản xuất chuyên sâu đồ gỗ, kết nối sàn thương mại điện tử quốc tế để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng, tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Đề án được thực hiện sẽ tăng giá trị kinh tế lên 200% so với hiện nay.
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã làm rõ những điểm chưa hợp lý và bổ sung thêm một số nội dung như: Làm rõ hơn tính đa giá trị của ngành lâm nghiệp; quy hoạch và đưa vào trồng các loại cây bản địa tại 2 huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh, Đề án “Xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh, không chỉ có tác động lớn đến lĩnh vực lâm nghiệp, mà còn thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, tạo việc làm cho lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương.
Đồng chí đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của đại biểu, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng Đề án đảm bảo chặt chẽ, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết