Tại Phiên họp mùa xuân ở thành phố Sofia (Bulgary) diễn ra từ ngày 25 đến 27-5, Hội đồng Nghị viện NATO (NATO PA) đã thông qua tuyên bố với nội dung Ukraine được phép tấn công “các mục tiêu hợp pháp” trên lãnh thổ Nga.
Phiên họp do NATO PA tổ chức có sự tham dự của khoảng 400 nghị sĩ đến từ 32 quốc gia thành viên NATO và 25 quốc gia đối tác của tổ chức này. Sự kiện tập trung thảo luận những vấn đề về quốc phòng, an ninh, hỗ trợ Ukraine và các ưu tiên cho Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thành phố Washington (Mỹ) vào tháng 7.
Binh sĩ Ukraine tại vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Kiev nên được phép tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây do “đây là hành động tự vệ” nhằm đáp trả những bước tiến của Nga gần Kharkov.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng cho biết, NATO sẽ thành lập một thực thể thường trực tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới để sắp xếp việc cung cấp vũ khí bắt buộc và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Trước đó, ông Jens Stoltenberg từng đề cập việc thành lập một quỹ quân sự thường trực của NATO dành cho Ukraine, với tổng trị giá lên đến 100 tỷ USD mỗi năm.
Cùng ngày, Russia Today thông tin, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Fabio Panetta đã kêu gọi các ngân hàng Italia ở Nga ngừng hoạt động trước nguy cơ Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào quốc gia này.
Hiện tại, UniCredit là ngân hàng Italia có mức tiếp cận thị trường Nga lớn thứ hai trong số các ngân hàng có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Ngân hàng quốc tế Raiffeisen (RBI) của Áo. Intesa Sanpaolo, một ngân hàng khác cũng đến từ Italia, đang nỗ lực giải quyết hoạt động kinh doanh tại Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo, các ngân hàng châu Âu hoạt động ở Nga phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng, trong bối cảnh Mỹ đang xem xét “khả năng cứng rắn hơn” các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng này.
Bà Janet Yellen nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt liên quan đến giao dịch của các ngân hàng châu Âu ở Nga sẽ chỉ được áp dụng “nếu có lý do để làm như vậy nhưng hoạt động ở Nga tạo ra rất nhiều rủi ro”.
Ngoài RBI, UniCredit và Intesa Sanpaolo, một số ngân hàng EU khác - đặc biệt là ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, OTP của Hungary và SEB của Thụy Điển - vẫn duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo Financial Times, các ngân hàng châu Âu ở Nga được yêu cầu cung cấp thông tin về kế hoạch đối với hoạt động kinh doanh tại quốc gia này sớm nhất vào tháng 6.
Gửi phản hồi
In bài viết