Trong tuyên bố trên trang Telegram, Thủ tướng Denys Shmyhal nhấn mạnh, gói viện trợ này sẽ giúp Ukraine duy trì ổn định tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay.
Để bổ sung nguồn tài chính cho Ukraine, ông Shmyhal cho biết, Kiev cũng dự kiến thu được 200 triệu euro thông qua các điều khoản ưu đãi từ Italia.
Người dân Ukraine sơ tán đến Ba Lan để tránh xung đột. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã thông qua kế hoạch giải ngân 1 tỷ USD cứu trợ tài chính cho Ukraine.
Đây là một phần trong gói cứu trợ 9 tỷ euro cho Kiev mà các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Séc - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, ông Zbynek Stanjura, kế hoạch giải ngân này sẽ giúp Ukraine có được các nguồn quỹ cần thiết giải quyết những vấn đề cấp bách và vận hành cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Các nhà ngoại giao EU cho biết phần còn lại của khoản hỗ trợ 9 tỷ USD sẽ chưa được giải ngân, vì một số nước thành viên còn đang tranh cãi liệu Ukraine có thể ký các khoản vay dài hạn hay không.
Như vậy, cùng với khoản 1,2 tỷ euro được giải ngân hồi đầu năm, Ukraine nhận được tổng cộng 2,2 tỷ euro cứu trợ từ EU.
Quan chức ngoại giao EU khẳng định các cuộc thương lượng của các nước thành viên về gói cứu trợ này vẫn đang diễn ra đúng hướng.
Do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay, Ukraine cho biết ngân sách nước này thiếu hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng, và việc vận hành các dịch vụ công đều dựa vào nguồn cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 và nhiều nước khác cam kết viện trợ 29,6 tỷ USD cho Kiev.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine, nước này có kế hoạch đến cuối năm 2022 sẽ huy động được 20 tỷ USD viện trợ từ các đối tác phương Tây.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 12/7, Ukraine thông báo đã nhận khoản viện trợ quốc tế 1,7 tỷ USD.
Gửi phản hồi
In bài viết