Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những ngày gần đây đang chìm trong lớp "sương mù" do ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng.
Từ khoảng 6 giờ 30 phút sáng nay (5/1), hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội cảnh báo nhiều điểm đo phổ biến chuyển sang hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "Rất xấu" và "Nguy hại".
Sử dụng ứng dụng AirVisual trên điện thoại thông minh cũng thông báo Hà Nội đang có chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 247, mức "Rất có hại cho sức khỏe".
Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đo được là 203 μg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 μg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ số của ngày hôm nay cũng cao hơn so với cùng thời điểm hôm qua.
Theo bản đồ dựa trên các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, khu vực Minh Khai, Trung Hòa - Cầu Giấy, Xuân Thủy, Linh Đàm, Đường Tô Hiệu (Hà Đông) có chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu nhất, có nơi đo được chỉ số AQI lên tới hơn 400.
Điều đáng nói là không chỉ Hà Nội, mà các khu vực lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Việt Trì, Nam Định, Thanh Hóa,... cũng có chỉ số AQI ở mức cao, trung bình từ 190 - 250 tùy theo từng khu vực.
Được biết, dữ liệu về chỉ số AQI được ứng dụng tính toán từ 2 nguồn: từ các thiết bị cảm biến chất lượng không khí do công ty D&L (công ty phát triển ứng dụng PAM Air) sản xuất, lắp đặt và vận hành và từ các nguồn dữ liệu khác mà PAM Air được phép thu thập và chia sẻ.
Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn.
Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Dựa vào chỉ số này cho phép người dùng có thể sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp. Chẳng hạn nếu vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, chạy máy lọc không khí, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, hoặc nếu phải ra bên ngoài thì nên mang theo khẩu trang.
Gửi phản hồi
In bài viết