Bưởi xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Sau nhiều năm thực hiện dự án “Nghiên cứu chọn lọc một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao cho vùng cam huyện Hàm Yên”, Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên đã lựa chọn được 3 giống cam chín sớm, chín trung bình và chín muộn để đề nghị bổ sung vào bộ giống cam mới, rải vụ của huyện Hàm Yên (CS1-Chín sớm; CT36-chín trung bình; V2-chín muộn).
Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm nguồn và chất lượng cây giống, năm 2017, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới, thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao. Cây cam rải vụ không những giúp cho mùa vụ kéo dài ở nhiều thời điểm trong năm mà còn tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Đến nay, các giống cam này vẫn được duy trì và nhân rộng trong sản xuất tại huyện Hàm Yên khoảng gần 500 ha, mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng các giống cam này.
Đề tài “Nghiên cứu phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống” do Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa thực hiện cũng mang lại thành công lớn. Bác sĩ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa chủ nhiệm đề tài) cho biết, trước đây, để chẩn đoán và xử lý đối với bệnh viêm ruột thừa cấp bằng phương pháp gây mê mổ mở và mổ nội soi.
Tuy nhiên, các phương pháp phẫu thuật này dễ gây biến chứng như biến chứng khi gây mê, đau, viêm phúc mạc, vết thương nhiễm trùng, các vấn đề về đường ruột. Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã ứng dụng thành công các quy trình phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa và chuyển giao cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và xử lý đối với bệnh viêm ruột thừa cấp. Đồng thời phòng tránh biến chứng viêm phúc mạc ruột thừa cho y tế tuyến cơ sở; sau mổ nhu cầu dùng thuốc giảm đau ít hơn, khả năng phục hồi sớm, giảm các chi phí cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh ta tổ chức thực hiện 96 đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Trong đó: đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm 42,7%; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn 27%; lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ 17,7%; lĩnh vực y dược 12,5%. Các nghiên cứu khoa học được triển khai bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực. Các nhiệm vụ hướng đến có sự tham gia của “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà dân.
Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu và giúp các địa phương lựa chọn được giống cây, con phù hợp như: Giống cam mới rải vụ, sạch bệnh; giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14; tuyển chọn 2 dòng keo 102, BV 342 ngắn ngày, kháng sâu bệnh…
Bên cạnh đó, đã ứng dụng các cải tiến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp: Công nghệ tưới nhỏ giọt, ứng dụng chất giữ ẩm cho đất trồng chè, sản xuất cá giống đặc sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, cải thiện đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo…
Các phương pháp, quy trình mới trong phòng và điều trị bệnh như: Nâng cao tần suất, đặc điểm lâm sàng và đột biến gen bệnh Thalassemia (bệnh thiếu máu huyết tán) ở trẻ em người dân tộc Tày, Dao; phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống…
Với sự phát triển nhanh chóng của KHCN, công tác nghiên cứu khoa học, nhân rộng và chuyển giao kết quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế đóng vai trò ngày càng quan trọng. Để nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn của các đề tài nghiên cứu KHCN, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, áp dụng các kết quả nghiên cứu; lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên các đề tài, dự án có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết