Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Chánh án TAND tỉnh cho biết: thời gian qua Tòa án nhân dân 2 cấp đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử, nổi bật là tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, sử dụng phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán… Đây thực sự là những thay đổi mang tính đột phá và sự chuyển mình mạnh mẽ của hoạt động tòa án trong tương lai, đặc biệt là các TAND cấp huyện, thành phố. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xét xử được 25 phiên tòa trực tuyến, 33 phiên tòa rút kinh nghiệm thông qua trực tuyến để Thẩm phán, thư ký theo dõi, sau phiên tòa tổ chức họp rút kinh nghiệm đạt kết quả cao.
Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong xét xử, theo chị Ma Thị Tuyết Mai, Chánh án TAND huyện Hàm Yên, sau gần 2 năm triển khai phiên tòa trực tuyến, đến nay trên địa bàn huyện đã xét xử được trên 30 vụ. Thực tế cho thấy, việc kết nối giữa điểm cầu trung tâm với điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Một phiên tòa ứng dụng công nghệ thông tin trong xét xử.
Để nâng cao hiệu quả xét xử, các TAND cấp huyện đều kết hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện áp dụng trình chiếu chứng cứ trong các phiên tòa, từ đó phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra. Việc tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, tiết kiệm chi phí in ấn tạo thuận lợi cho việc lưu trữ mà không làm giảm giá trị pháp lý của tài liệu gốc theo thời gian.
Sau mỗi phiên tòa, bản án được tuyên, các cán bộ đều cập nhật lên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh. Ông Lê Tuấn Tú, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa cho biết: các bản án, quyết định khi có hiệu lực thì cán bộ chuyên trách cập nhật công khai trên hệ thống cổng thông tin điện tử của TAND, đảm bảo công khai, minh bạch. Cũng từ đó, có sự trao đổi nghiệp vụ giữa các tòa với nhau, từ đó nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết án đạt tỷ lệ cao.
Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, đã công bố 800 bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử TAND, đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp trong tỉnh tổ chức số hóa 58 phiên tòa. Đến nay, thẩm phán TAND cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố đã thành thạo sử dụng phần mềm “trợ lý ảo”. Đồng chí Trịnh Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh cho biết, phần mềm được TAND Tối cao triển khai thực hiện năm 2022 trong hệ thống và nó là thư ký ảo làm việc trực tuyến để hỗ trợ cho thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án… Nhờ có phần mềm này, đã giúp thẩm phán, cán bộ tra cứu, áp dụng đầy đủ, chính xác cho vụ việc cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn thẩm phán thực hiện tố tụng đúng trình tự và đưa ra các phán quyết, quyết định đúng bản chất sự việc, đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận xã hội đồng tình.
Tuy nhiên, hiện nay do trang thiết bị còn nghèo nàn, nhiều Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn đang tận dụng một số thiết bị có sẵn và hợp đồng với đơn vị viễn thông thuê trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu và bố trí cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Để từng bước xây dựng hình ảnh tòa án điện tử, tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, thì ứng dụng công nghệ thông tin là việc cần ưu tiên hàng đầu để từng bước nâng cao hiệu quả xét xử trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết