Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất ván ghép thanh

- Tuyên Quang là một tỉnh có tiềm năng lớn về nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Để tận dụng nguồn nguyên liệu này, từ năm 2021 đến năm 2024, Công ty cổ phần Gỗ Đông Dương, thuộc Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên), đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình công nghệ và thiết bị tiên tiến sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu và nội tiêu tại tỉnh Tuyên Quang”.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá dự án xây dựng mô hình công nghệ và thiết bị tiên tiến sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu và nội tiêu.

Mục tiêu của đề tài là chuyển giao, tiếp nhận và xây dựng thành công mô hình sản xuất ván ép thanh với công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả gỗ rừng trồng. Để thực hiện đề tài, năm 2023, Công ty cổ phần Gỗ Đông Dương đã hoàn thiện xây dựng và lắp đặt một dây chuyền sản xuất ván ghép thanh, bao gồm: nhà xưởng diện tích 2.700 m2, 4 lò sấy, 1 máy ghép ngang cao tần, 2 máy bào hai mặt, và một chuyền Finger ghép dọc. Hệ thống máy móc này có công suất 5.000 m3 sản phẩm mỗi năm. Đồng thời, công ty đã tổ chức đào tạo cho 5 kỹ thuật viên và tập huấn cho 50 công nhân về công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng.

Dây chuyền sản xuất ván ghép thanh của Công ty cổ phần Gỗ Đông Dương.

Sản phẩm ván ghép thanh của công ty được sản xuất bằng công nghệ sóng cao tần, giúp tạo ra các tấm gỗ có chất lượng cao, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng, đặc biệt trong việc ghép các thanh gỗ dày và giải quyết tình trạng thiếu hụt phôi gỗ kích thước lớn. Hệ thống Finger ghép dọc và máy bào hai mặt cũng giúp nâng cao hiệu suất, tăng tính thẩm mỹ và giảm chi phí sản xuất cũng như thời gian thi công.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra đánh giá dự án.  

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đông Dương cho biết, việc ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, công ty đã sản xuất được trên 360 m3 ván ghép thanh đạt chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 11205:2015 (ISO 13609:2014) đáp ứng yêu cầu sản xuất đồ gỗ. 

 Dự án được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất ván ghép thanh.

Bà Phạm Thị Lành, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc triển khai thành công dự án sẽ góp phần định hướng, nhân rộng cho các tổ chức, cá nhân khác có cơ hội được tham quan, học hỏi quy trình sản xuất ván ghép thanh trên dây chuyền hiện đại hoạt động hoàn toàn khép kín. Mô hình không chỉ giúp phát triển ngành chế biến gỗ bền vững và thân thiện với môi trường, mà còn tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu xuất khẩu gỗ thô, tạo ra các sản phẩm đồ gỗ có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.


Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá dự án xây dựng mô hình công nghệ và thiết bị tiên tiến sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu và nội tiêu tại tỉnh Tuyên Quang.

Dự án là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển ngành chế biến gỗ tại địa phương. Thành công của dự án khẳng định việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mang lại lợi ích kinh tế đóng góp vào sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đây sẽ là mô hình tiên phong, mở ra nhiều tiềm năng cho ngành chế biến gỗ tại Tuyên Quang và các địa phương khác.

Bài, ảnh: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục