Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn) hiện là một trong những chủ thể sở hữu nhiều sản phẩm được chứng nhận nhất tỉnh với 7 sản phẩm gồm Chè xanh Ngọc Thúy, Trà Ngọc Thúy (cấp đông), Chè xanh Phú Lâm, Chè xanh Ngọc Thúy đinh, Chè xanh Ngọc Thúy nõn, Chè xanh Phú Lâm đinh, Chè xanh Phú Lâm nõn. Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX cho biết, để các sản phẩm OCOP của đơn vị khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, thời gian qua HTX không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại gồm: máy sao chè, máy vò chè, máy hút chân không... với công suất chế biến lên tới 200 kg thành phẩm/ngày. HTX hiện tạo việc làm ổn định cho 30 công nhân, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ.
Một số thiết kế lại, thiết kế mới được Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện trong đề tài "Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật mẫu mã nhãn mác, bao bì, túi đựng, hộp đựng một số sản phẩm OCOP".
Bên cạnh đó, HTX còn tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Tin vui, tháng 12-2022, với sản phẩm Trà Ngọc Thúy (cấp đông), ông Sử được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là 1 trong 62 nhà khoa học của nhà nông và tháng 1-2023, sản phẩm Chè xanh Ngọc Thúy nõn được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
Từ tháng 7-2020 đến 6-2022, Sở KHCN đã triển khai mô hình "Ứng dụng tiến bộ khoa học trồng đỗ đen xanh lòng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với chế biến thành sản phẩm OCOP tại xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa". Đề tài đã nghiên cứu vào thực hiện mô hình trồng 6 ha đỗ đen xanh lòng cung cấp nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản xuất sản phẩm "Trà túi lọc đậu đen xanh lòng" của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát. Sau 3 năm triển khai, để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, HTX đã không ngừng phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc duy trì liên kết ổn định với trên 50 hộ dân và duy trì diện tích 60 ha tại một số xã của huyện Chiêm Hóa và Na Hang. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy rang, sấy khô, đóng túi lọc... Bình quân mỗi tháng HTX sản xuất ra khoảng 8.000 - 9.000 hộp trà thành phẩm, với giá bán từ 90.000đ - 100.000đ/hộp; tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình tham gia trồng đậu đen và 6 nhân công làm tại xưởng với thu nhập đạt từ 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã được đánh giá đạt chất lượng OCOP 4 sao vào năm 2021 và năm 2022 được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa) ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến trà túi lọc đậu đen xanh lòng đạt OCOP 4 sao.
Toàn tỉnh hiện có 191 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 149 sản phẩm đạt 3 sao, 41 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đang đề nghị phân hạng 5 sao OCOP. Thời gian qua, ngành KHCN đã ưu tiên đề xuất nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KHCN trong khai thác và phát triển các nguồn gen đặc hữu, công tác chọn tạo giống trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: cây cam, chè, bưởi, mía, lạc, cây lâm nghiệp, trâu, lợn, cá đặc sản. Đồng thời hoàn thiện kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến sản phẩm. Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng tốt KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ mà một số sản phẩm tiềm năng đã được "đánh thức" và trở thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng suất, nâng tầm giá trị trên thị trường, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và địa phương. Tiêu biểu như các sản phẩm: mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang); bún khô Đà Vị, rượu ngô men lá và chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); vịt bầu Minh Hương, cam Sành (Hàm Yên); bưởi Soi Hà (Yên Sơn), dầu lạc Trường Thịnh (Sơn Dương), trà đậu đen xanh lòng (Chiêm Hóa)...
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở KHCN khẳng định, việc ứng dụng KHCN vào phát triển các sản phẩm OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong phát triển các sản phẩm OCOP, Sở tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, đánh giá nhu cầu cải tiến và ứng dụng tiến bộ KHCN; tập trung triển khai các đề tài, dự án chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; phục tráng và phát triển các nguồn gen đặc hữu của địa phương thành sản phẩm đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu công nghiệp và đăng ký xác lập bảo hộ tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý...
Gửi phản hồi
In bài viết