Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022.
Là một trong rất nhiều hoạt động được các tổ chức hữu nghị nhân dân hai nước thực hiện, chương trình "Ươm mầm hữu nghị" được Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia triển khai từ năm 2012 theo mô hình gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam. Ban đầu, các gia đình, phần lớn là thành viên của Hội, những cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã nhận đỡ đầu hơn 30 sinh viên Campuchia học tập ở Hà Nội và Thái Bình. Chương trình hiện nay phát triển sang nhiều tỉnh, thành phố, hỗ trợ gần 500 sinh viên Campuchia. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia khẳng định, hàng trăm hoạt động hỗ trợ, như khen thưởng, tặng quà, trao học bổng, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, cung cấp thiết bị, vật dụng thiết yếu… đã góp phần thiết thực, giúp đỡ sinh viên Campuchia tại Việt Nam yên tâm học tập và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó, mối quan hệ giữa các tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu, giúp đỡ và sinh viên Campuchia ngày càng gần gũi, gắn bó hơn. Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia Nguyễn Thị Thanh khẳng định, thông qua chương trình, các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc và có trách nhiệm cao hơn trong việc giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước.
Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022), trong khuôn khổ Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được tổ chức tại nhiều địa phương ở hai nước, nhất là các địa phương có chung đường biên giới. Tỉnh Ðắk Nông có 141km đường biên giới với tỉnh Mondulkiri, có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch… Nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước, cũng như nhân dân hai tỉnh Ðắk Nông-Mondulkiri, chương trình "Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ V" đã được tổ chức tại Ðắk Nông vào đầu tháng 11. Tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam Vann Phal khẳng định, nhân dân Campuchia rất trân quý mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu đời giữa hai nước; đồng thời mong muốn thế hệ trẻ của hai nước tiếp tục phát huy, giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt này.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, uống chung dòng nước sông Mê Công; có lịch sử gắn bó lâu đời trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ðể giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về mối quan hệ này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về đất nước, con người Vương quốc Campuchia và mối quan hệ Việt Nam-Campuchia". Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Cần Thơ cũng tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia", thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Các cuộc thi là dịp để các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết về quan hệ Việt Nam-Campuchia; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về công lao gây dựng và vun đắp mối quan hệ này của các thế hệ cha anh.
Những hoạt động, sự kiện diễn ra trong những năm qua, nhất là trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và không ngừng bồi đắp những giá trị tốt đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Những nhịp cầu gắn kết mà nhân dân hai nước, trong đó có thế hệ trẻ, gây dựng sẽ đưa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển thực chất và đi vào chiều sâu.
Gửi phản hồi
In bài viết