![]() |
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Athlone ngày 1/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nguyện vọng của người dân Nam Phi được thể hiện qua lá phiếu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 5/2024. Do không có đảng nào giành được đủ số phiếu cần thiết, GNU được thành lập dựa trên sự liên minh của 10 đảng, trong đó có đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) do ông Ramaphosa lãnh đạo. Sự tham gia của nhiều đảng trong chính phủ liên minh mang lại thế đa số trong Quốc hội, song cũng dễ gây ra bất đồng. Dù vậy, các đảng trong GNU được nhận định là đã gạt bỏ khác biệt và nhất trí hợp tác vì lợi ích của người dân Nam Phi.
Trình bày thông điệp quốc gia đầu tiên sau khi GNU được thành lập, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh, kế hoạch phát triển trung hạn đã được thông qua với các nhiệm vụ rõ ràng và đầy tham vọng. Ông Ramaphosa nêu rõ, ưu tiên chiến lược của GNU trong 5 năm tới là thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tạo việc làm, giảm nghèo và giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt cao, cũng như nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền. Theo người đứng đầu GNU, nhiệm vụ cấp bách nhất là phát triển kinh tế, qua đó tạo việc làm, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của người dân. Điều này không khó để nhận thấy, bởi tăng trưởng trung bình trong ba năm tới của nền kinh tế Nam Phi được dự báo chỉ đạt 1,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập đều ở mức cao.
Để vượt qua những trở ngại nêu trên, GNU đặt mục tiêu nâng mức tăng trưởng kinh tế lên hơn 3%. Theo đó, Nam Phi sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong ba năm tới, GNU dự định chi khoảng 50 tỷ USD nhằm cải tạo đường và cầu, xây dựng đập và tuyến đường thủy, hiện đại hóa cảng và sân bay… Nhằm giải phóng tiềm năng tăng trưởng, Chính phủ Nam Phi cũng khởi xướng làn sóng cải cách mới, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng, như năng lượng, khai khoáng, du lịch... Trước mắt, GNU hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có công ty điện lực quốc gia Eskom và tập đoàn hậu cần Transnet. Ngoài ra, GNU cũng nỗ lực ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy cải cách dịch vụ công.
Nhiệm vụ định hình con đường phát triển của Nam Phi trong một thế giới biến động nhanh chóng cũng được nêu bật trong thông điệp của ông Ramaphosa. Thế giới đang chứng kiến những tác động ngày càng nghiêm trọng của các cuộc xung đột và bạo lực, sự cạnh tranh ngày một gay gắt về thương mại và công nghệ. Trong khi đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ cản bước nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì những mục tiêu chung. Trong bối cảnh này, ông Ramaphosa khẳng định, Nam Phi sẽ kiên cường, biến khó khăn thành lợi thế và đưa đất nước tiến bước.
Sự thịnh vượng của Nam Phi gắn liền với hòa bình, hội nhập và phát triển của châu lục. Hiểu rõ điều này, Nam Phi khẳng định tiếp tục góp sức củng cố vai trò của Liên minh châu Phi (AU), đồng thời kêu gọi nỗ lực “ngừng tiếng súng” ở khu vực. Binh sĩ Nam Phi tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, trong đó có những người đã ngã xuống, chứng minh cam kết của Nam Phi trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở khu vực.
Theo thông điệp của ông Ramaphosa, các trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Nam Phi vẫn là thúc đẩy nhân quyền, hòa bình và hữu nghị, cũng như tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư công bằng. Đây cũng là những nguyên tắc định hướng mà Nam Phi đưa ra trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Trọng trách này là đòn bẩy giúp nâng cao vị thế của Nam Phi trên trường quốc tế. Việc hội nghị của G20 lần đầu được tổ chức tại châu Phi sau khi AU gia nhập nhóm là cơ hội để đưa những nhu cầu thiết yếu của các quốc gia ở châu lục, rộng hơn là ở nam bán cầu, vào chương trình nghị sự toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết