Ưu tiên giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu

- BC 15 là giống lúa thuần có đặc tính cho năng suất cao, cơm ngon, đậm đà, nhưng nhược điểm là dễ nhiễm đạo ôn, đặc biệt là khi đưa vào sản xuất trong vụ xuân. Đã có thời điểm, diện tích lúa BC 15 nhiễm đạo ôn nặng, ảnh hưởng đến năng suất lúa của người nông dân. Mặc dù đã có khuyến cáo nhưng vì là giống lúa có chất lượng, năng suất cao, nên nhiều người vẫn quyết định “mạo hiểm”, vừa chống sâu bệnh, vừa trông chờ một mùa vụ thắng lợi.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần
chất lượng cao HD11 tại Sơn Dương.

Bắt đầu từ năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào khảo nghiệm giống lúa thuần BC 15 có chuyển gen kháng đạo ôn. Giống BC 15 có chuyển gen kháng đạo ôn giữ nguyên được các đặc tính kiểu hình, kiểu dáng của giống BC 15; đẻ nhánh trung bình, số dảnh hữu hiệu cao, bông to dài, hạt xếp xít, số hạt chắc/bông cao, gạo trắng trong, cơm mềm dẻo. Nhờ đã cấy gen kháng đạo ôn Pita nên giống lúa này, dù sản xuất trong vụ xuân - thời vụ rất mẫn cảm với bệnh - nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha.

Nhờ những ưu điểm vượt trội trong năng suất, chất lượng và tác dụng chống lại sâu bệnh, mà từ năm 2020, giống BC 15 có chuyển gen kháng đạo ôn được nhiều người nông dân ưu tiên lựa chọn là giống lúa chính trong sản xuất vụ xuân. Như năm nay, diện tích gieo cấy BC 15 có chuyển gen kháng đạo ôn trên địa bàn toàn tỉnh là 1.074 ha, trong đó nhiều nhất là Sơn Dương 732 ha, Yên Sơn 261 ha, còn lại ở các địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, do diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, nên các giống lúa, ngô mới đưa vào khảo nghiệm thời gian gần đây đều ưu tiên lựa chọn những giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đặc tính được ưu tiên là kháng sâu bệnh, chống hạn, chống gẫy đổ… được các đơn vị sản xuất giống đặc biệt coi trọng. Riêng trong vụ xuân 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khảo nghiệm 12 giống mới, trong đó 11 giống lúa và 1 giống ngô biến đổi gen. Như giống lúa lai LP1601, MHC2, 27P53, Thụy Hương 308, Việt Lai 20, BC 15 có chuyển gen kháng đạo ôn; giống lúa thuần DT66, Đại Dương 2, VNR10, VNR88, Dự hương 8; giống ngô lai biến đổi gen KD 9955S. Các giống này đều có khả năng kháng một số loại sâu bệnh hại như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu; có khả năng chống đổ khá, chịu thâm canh…

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua khảo nghiệm nhiều vụ sản xuất, mỗi năm, ngành nông nghiệp đều lựa chọn được 1 vài giống để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong đó nhiều giống thể hiện ưu điểm vượt trội, được nông dân ưu tiên lựa chọn thành giống sản xuất chính như MHC2, Phúc Thái 168, QL301; giống lúa thuần Hà Phát 3, TBR279, Dự Hương, VNR20, J01; giống ngô lai đơn F1 NK 6253, giống ngô lai đơn F1 NK 7328; DK 9955S…      

  Bài, ảnh: Hải Lâm    

Tin cùng chuyên mục