Sáng 27-11, thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá về khoa học - công nghệ để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) khẳng định, khoa học - công nghệ được coi là động lực then chốt, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền kinh tế tri thức nên Luật Thủ đô cần quy định cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá về khoa học - công nghệ để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.
“Có thể nói các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định trong dự thảo Luật mang tính thử nghiệm, đột phá, được kỳ vọng là động lực quan trọng để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô thời gian tới”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị dự thảo Luật cần quy định thành phố ưu tiên hỗ trợ/miễn thuế thu nhập, miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ thương mại các công nghệ nghiên cứu từ các trường đại học.
Quỹ đầu tư ươm tạo và khởi nghiệp sáng tạo của thành phố hỗ trợ kinh phí để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong trường đại học, hỗ trợ kinh phí hình thành các hợp tác xã trong trường học; hỗ trợ kinh phí để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của thành phố, của các trường đại học để đủ tiềm lực thực hiện các đặt hàng của thành phố. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ từ trường đại học để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường đại học và chính quyền thành phố tạo sự phát triển bền vững.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng không nên chỉ giới hạn thử nghiệm tại khu công nghệ cao. Theo đại biểu, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ, có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.
“Ví dụ robot giao thức ăn tự hành thì cần có cư dân sinh sống để bán thức ăn thử nghiệm đến nhà dân, trong khi tại các khu công nghệ cao thì ít người dân sinh sống. Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên trong công ty đều ăn trong căng tin”, đại biểu phân tích.
Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Cụ thể, dự thảo Luật mới chỉ ra giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn khu vực khu công nghệ cao; mới chỉ nêu địa điểm thử nghiệm chứ chưa đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm. Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.
Gửi phản hồi
In bài viết