Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội.
Vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, cho nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, đề ra giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so tháng 4, cụ thể: lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng (tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35%, tháng 4 tăng 2,81%, tháng 5 tăng 2,43% so cùng kỳ).
Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất nông nghiệp ổn định; xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so cùng kỳ; so tháng 4, kim ngạch xuất nhập khẩu 5,3%, xuất khẩu tăng 4,3%, nhập khẩu tăng 6,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 22% so tháng 4; vốn FDI đăng ký gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, đạt gần 2 tỷ USD.
Các đại biểu tham dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng: lạm phát được kiểm soát; CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán; xuất siêu 9,8 tỷ USD; xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất được điều chỉnh giảm; ổn định tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng: phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; thị trường trái phiếu có tín hiệu tích cực, tính đến ngày 19/5/2023, sau 2,5 tháng từ khi ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 25,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 96,7% khối lượng phát hành 5 tháng đầu năm).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; năng suất lúa đông xuân ước tăng 1,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 184,6 nghìn tấn; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; thủy sản đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so cùng kỳ năm trước; du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm.
Có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (88 nghìn doanh nghiệp); đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng, từ đó đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 7,65 tỷ USD, tuy giảm nhẹ 0,8% so cùng kỳ năm 2022, nhưng cao hơn cùng kỳ các năm từ 2019 đến 2021 (lần lượt là 7,3, 6,7 và 7,15 tỷ USD). Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tăng cường; chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được truyền trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, trong 5 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã quán triệt rất nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, bám sát tình hình để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ.
Nhấn mạnh tinh thần không tô hồng, không bôi đen mà nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất, Thủ tướng nêu rõ, kết quả lớn nhất đạt được theo mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm bội chi. Đây là dư địa để chúng ta tiếp tục khai thác trong các tháng cuối năm và những năm tới đây.
Thủ tướng khẳng định, đây là thành tựu chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, dân tộc ta, nhờ sự lãnh đạo của Trung ương, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4.
Đánh giá tình hình sắp tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu vẫn phải tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững an ninh quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát và giảm dần, chúng ta đang có dư địa về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi; điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Theo đó, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường đã có với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ... hoàn thành ký kết FTA với Israel và đàm phán các FTA khác, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; dứt khoát làm xong việc lập quy hoạch xong trong quý III và hoàn thành trong quý IV; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cấp chính quyền; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; chủ động, tích cực rà soát, có cơ chế phù hợp cho các dự án bất động sản, xây dựng, công nghiệp, thương mại trên địa bàn, chú ý có chính sách an sinh xã hội cho người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp cán bộ.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi thực hiện các Thông tư 02, 03, nếu thấy vấn đề phát sinh thì điều chỉnh kịp thời; tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay (cả vay cũ và vay mới); tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên; tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu; thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là tiết kiệm điện tại các công sở; đẩy nhanh hoàn thuế VAT và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân tích, dự báo, cập nhật, chuẩn bị các kịch bản, không để bất ngờ.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng quy định phân cấp về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tinh thần là tăng cường phân cấp cho địa phương, giao vốn, giao chỉ tiêu, kiểm soát hiệu quả, tránh tình trạng Trung ương làm từng dự án đến tận từng hộ gia đình.
Bộ Xây dựng tập trung đôn đốc triển khai Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, báo cáo hàng tháng; cùng các bộ, ngành tháo gỡ các quy định về phòng cháy, chữa cháy; triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Bộ Giao thông vận tải tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy, nhanh chóng khởi công các dự án hợp tác công-tư.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.
Bộ Công thương đẩy mạnh các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn; rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác tối đa các FTA đã có và thúc đẩy ký các FTA mới.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương nhiệm vụ triển khai Quy hoạch điện VIII và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan các dự án liên quan quy hoạch điện VII theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phân loại, công bố công khai dự án nào đủ hay không đủ điều kiện, không đúng quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp bảo đảm lương thực, thực phẩm, tăng cường xuất khẩu nông sản, thực hiện nghiêm các biện pháp để khắc phục thẻ vàng IUU.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, môi trường.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bảo đảm cung cầu lao động, sớm đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động phù hợp tình hình trong tháng 6 này.
Bộ Y tế xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, vaccine (Bộ Tài chính đã cân đối ngân sách cho vaccine).
Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, đặc biệt là vấn đề sách giáo khoa; phối hợp xử lý, phòng ngừa vấn đề ma tuý học đường.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát huy tối đa nguồn vốn và tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phục vụ phát triển; tích cực xử lý có đầu ra cho các dự án yếu kém còn lại, nhất là dự án Tisco 2. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát huy tinh thần trách nhiệm, xử lý các vấn đề tồn đọng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 tổ công tác của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện Công điện 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023,
Thủ tướng kêu gọi tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và hành động quyết liệt của từng cá nhân, từng tập thể để tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đưa đất nước tiếp tục phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào, cố gắng quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.
Gửi phản hồi
In bài viết