Nhật Bản và Mỹ ký thỏa thuận củng cố liên minh. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đều có chung quan điểm coi trọng việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mà trong đó quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đóng vai trò nền tảng. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản, Bộ trưởng Hayashi khẳng định Tokyo xác định liên minh Nhật-Mỹ là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do đó Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực phòng thủ để đáp ứng khả năng ứng phó của liên minh.
Nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản đẩy mạnh nỗ lực thông qua việc phối hợp với các đồng minh, đối tác như Australia, Ấn Độ, các thành viên ASEAN và các nước châu Âu. Ngay đầu năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Australia Scott Morrison (X.Mo-ri-xơn) đã ký một thỏa thuận tạo điều kiện cho hoạt động huấn luyện chung nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Nhật Bản và Pháp lên kế hoạch tổ chức đối thoại an ninh trực tuyến cấp bộ trưởng theo mô hình 2+2, khẳng định cam kết phối hợp thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng.
Trong quan hệ với các nước trong khu vực, Nhật Bản ưu tiên thúc đẩy các giải pháp hòa bình, mang tính xây dựng. Khẳng định quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất, Nhật Bản tuyên bố nỗ lực thiết lập mối quan hệ ổn định giữa hai nước thông qua hợp tác giải quyết thách thức chung, trong bối cảnh năm 2022 đánh dấu 50 năm hai nước bình thường hóa quan hệ song phương.
Về vấn đề Triều Tiên, thông qua hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với việc bảo đảm thực thi các nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm ngăn Bình Nhưỡng phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Lên án các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên kể từ đầu năm 2022, Tokyo duy trì hợp tác chặt chẽ 3 bên với Washington và Seoul nhằm bảo đảm ổn định tình hình khu vực và thúc đẩy sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Nhật Bản xác định Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng, song Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi đánh giá quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc hiện có những diễn biến không tích cực. Quan hệ hai nước được cho là xuống mức thấp, khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai. Phía Nhật Bản giữ quan điểm cho rằng phán quyết này vi phạm các hiệp ước song phương trong quá khứ và quyền miễn trừ quốc gia theo luật quốc tế.
Nhật Bản khẳng định triển khai chính sách ngoại giao “bao dung và mạnh mẽ” trên cơ sở chủ nghĩa hòa bình tích cực, coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó phát huy vai trò điều phối, ứng phó kiên quyết đối với các vấn đề, trên cơ sở tôn trọng tính đa dạng. Tiếp tục xây dựng mối quan hệ tin cậy với các nước, thúc đẩy lợi ích quốc gia, Nhật Bản cùng cộng đồng quốc tế củng cố hòa bình và thịnh vượng chung.
Gửi phản hồi
In bài viết