Phiên họp dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 62 điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đai biểu Quốc hội của tỉnh. Dự họp còn có các đ ồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Phần chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan có 39 câu hỏi tập trung vào các nhóm nội dung: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 24 đại biểu đặt câu hỏi, tập trung vào các nội dung: việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu và trực tiếp trả lời. Trong phần trả lời, các Bộ trưởng đã phân tích rõ các nguyên nhân, giải pháp trước mắt, lâu dài trong thời gian tới. Trong đó, việc điều hành giá xăng cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy lọc dầu; thực hiện quỹ bình ổn bằng việc đa dạng hóa các nguồn, kể cả từ ngân sách; nâng mức dự trữ, dự phòng xăng dầu; đảm bảo đồng bộ tỷ lệ chiết khấu giữa các cấp đại lý; xem xét điều chỉnh các loại phí thuế. Đối với việc ùn tắc hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu, các địa phương cần phải có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Vấn đề trước mắt, ngành Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với phía bạn. Về dài hạn hai Bộ cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết quan điểm và giải pháp để giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai ở nhiều địa phương gây lãng phí nguồn lực rất lớn của đất nước; Bộ đã triển khai thực hiện như thế nào về kết luận tại Nghị quyết 134/QH14 của Quốc hội liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, một số địa phương đã thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề khá phổ biến hàng trăm nghìn ha đang tồn tại chưa được triển khai dự án gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngay trong năm nay sẽ có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng này. Về giải quyết đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, đây là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp có sự chồng chéo, thiếu số liệu để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, quy trình quản lý chưa có, tình trạng quản lý đất đai ở nông, lâm trường vẫn còn chưa đồng bộ. Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu để có giải pháp hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Y tế, Tư pháp cùng tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Phiên chất vấn có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 48 đại biểu tham gia trực tiếp chất vấn. Các Bộ trưởng đã trả lời thể hiện tinh thần trách nhiệm, cầu thị, thẳng thắn nêu rõ những vấn đề giải pháp thực hiện.
Qua phiên chất vấn, đồng chí đề nghị Chính phủ xây dựng chương trình đảm bảo an ninh năng lượng, cần có giải pháp tổng thể căn cơ đối với các nhà máy lọc dầu đảm bảo an ninh năng lượng ngay trong nước. Bảo đảm hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp trong việc tính toán cơ cấu thuế, phí, bình ổn giá xăng dầu.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang dự phiên họp.
Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội trong việc chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, xây dựng lực lượng quản lý thị trường đảm bảo đủ mạnh; tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, hàng lậu, hàng giả; đẩy mạnh thực hiện các lộ trình, giải pháp hoạt động thương mại nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng chí đề nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi luật đất đai, luật tài nguyên và môi trường nhằm tiếp tục hoàn thiện các chính sách về quản lý đất, tăng cường thông tin minh bạch về sử dụng đất, quản lý tài nguyên, môi trường. Các địa phương, bộ, ngành liên quan cần phải xử lý nghiêm các hành vi chậm sử dụng đất, đầu cơ đất, không để xảy ra tình trạng trục lợi trong việc đấu giá sử dụng đất; thúc đẩy thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý rác thải...
Đồng chí đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phải thực hiện đúng cam kết các nội dung cần giải quyết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Các cơ quan của Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát, tổ chức các phiên giải trình nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đại biểu cần phải lắng nghe kịp thời phản ánh trước những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Gửi phản hồi
In bài viết