Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, phản biện xã hội

- Sáng 6-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-DDCTUTWWMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (NQLT 403). Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thanh phố với 2.750 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Trong 5 năm, Ủy  ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, cấp huyện 13.213 cuộc, cấp xã 72.162 cuộc.

Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462  cuộc giám sát. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát. Nội dung trọng tâm vào công tác xây dựng đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản  lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội, thực hiện chính sách an sinh  xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm...

Qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt nam các cấp đã gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở; trong đó MTTQ cấp tỉnh được 3.364 văn bản, cấp huyện được 8.572 văn bản; cấp xã được 30.115 văn bản.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ nhấn mạnh, cấp uỷ, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã  hội; phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong hiệp thương, xây dựng  kế  hoạch,  kết  hợp  linh  hoạt, sáng  tạo  nhiều  hình  thức  giám  sát,  phản  biện  xã  hội  phù  hợp  với  tình  hình thực  tế  và  yêu  cầu  của  nộng  dung  giám  sát,  phản  biện  xã  hội.

Cấp ủy các cấp cần lãnh đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết liên tịch 403 nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động về vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Các bộ, ban, ngành, UBND các cấp cần nhận thức đầy đủ và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp với MTTQ; cần làm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giải quyết, trả lời kiến nghị  và đề xuất của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội; gắn việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận với việc đánh giá cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức...

Tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và một số lĩnh vực có liên quan cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã  hội...

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục