Tình trạng thiếu vắc xin phòng Covid-19 đang gây khó khăn cho chương trình tiêm chủng của Brazil.
Hơn một năm trước, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh rằng, tiếp cận toàn cầu về vắc xin sẽ là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.
Hơn 12 tháng đã trôi qua, đặc biệt là những cảnh tượng khủng khiếp ở Ấn Độ, nơi các bệnh viện la liệt bệnh nhân, hàng nghìn người đứng trước nguy cơ tử vong vì thiếu bình ôxy, cho thấy những cảnh báo đó đã không được chú ý đúng mức. Ấn Độ hiện cũng không phải là điểm nóng duy nhất của làn sóng Covid-19 trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên kể từ ngày 29-4, một bước đi không mong muốn do tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đang cao nhất châu Âu. Vào đầu tuần trước, Iran ghi nhận số ca tử vong hằng ngày cao nhất từ khi xuất hiện dịch tại nước này. Nhiều khu vực tại Iran phải đóng cửa để hạn chế dịch lây lan.
Tình hình dịch bệnh trên hầu khắp khu vực Nam Mỹ cũng đáng lo ngại trong đó Brazil có trên 14,7 triệu ca nhiễm và trên 400.000 ca tử vong do Covid-19. Như thế, Brazil tiếp tục là một trong ba nước có nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất thế giới (cùng với Mỹ, Ấn Độ). Trong khi một số nước phương Tây đang hướng tới cuộc sống bình thường mới trong những tuần tới thì bức tranh về dịch Covid-19 trên toàn thế giới vẫn còn rất ảm đạm.
Có thể thấy, trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, các nước đã đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn các nước nghèo đang phải phụ thuộc vào cơ chế tiếp cận vắc xin công bằng (COVAX) do WHO khởi xướng nên tốc độ tiêm không được như các nước phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc tiêm chủng vắc xin vẫn chủ yếu diễn ra ở các quốc gia có thu nhập cao.
Còn theo hãng tin AFP (Pháp), trong tổng số gần 1,2 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu mới chỉ có 2,9% trong số này là ở các nước có thu nhập thấp. Ở các nước này, hơn 500 người mới có 1 người được tiêm vắc xin trong khi ở các nước thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người được tiêm vắc xin. Đây là hình ảnh tương phản mà Tổng Giám đốc WHO gọi đó là “sự bất bình đẳng gây sốc”.
Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, ảnh hưởng tới tốc độ tiêm vắc xin ở các nước thu nhập thấp là việc Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu vắc xin từ nhà máy của Viện Huyết thanh. Đây là nơi sản xuất phần lớn liều vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 mà COVAX dự định cung cấp cho các nước kém phát triển, để ưu tiên cho nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, COVAX lại không thể đặt mua đủ vắc xin khi các nước giàu đã thỏa thuận trước với các nhà sản xuất. Mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021, đủ để có thể bảo vệ những người có nguy cơ cao cũng như các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Nhưng vì những lý do trên, COVAX đang phải chật vật để theo kịp tiến độ giao hàng.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thêm, việc một số quốc gia tích trữ vắc xin phòng Covid-19 có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tiếp tục gây chia rẽ xã hội và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Thiếu vắc xin, nhóm nước nghèo trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro và hậu quả sau cùng là sẽ khiến đại dịch kéo dài.
Gửi phản hồi
In bài viết