Ông Nguyễn Quang Minh. |
Ông được đảng viên, nhân dân yêu mến vì trách nhiệm, tận tụy với mọi công việc được giao phó. Nhiều năm qua, ông liên tục được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín của mình, ông đã vận động thành công người dân thực hiện văn minh, tiết kiệm trong việc tang.
Thôn Đức Uy có 131 hộ, trên 400 nhân khẩu. Trong đó, 70% số hộ dân là dân tộc Tày. Theo phong tục, đám ma của người Tày Trung Sơn kéo dài nhiều ngày. Nhà linh xa và nhà xe được làm bằng tre nứa, có dán giấy, bắt buộc phải có trong đám ma. Nhà linh xa cao chừng hơn 1m, rộng chừng 60 - 70 cm. Mâm cơm cúng người mất được đặt trong nhà linh xa. Khi an táng người mất, cần 2 thanh niên khiêng nhà linh xa từ nhà ra đến nghĩa trang, sau đó hóa vàng. Nhà xe được làm kích thước to hơn chiếc quan tài để chụp lên linh cữu sau khi niệm. An táng xong, nhà xe được đặt lên trên nấm mộ và 1 năm sau mới được hóa.
Ông Minh bày tỏ, để làm được 2 nhà linh xa và nhà xe cho mỗi đám hiếu mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ khâu lên rừng tìm nứa tép, cưa nứa, lắp ráp nhà, dán giấy thì cần khoảng 10 người làm cật lực trong vòng 1 ngày nếu có người biết làm, chỉ dẫn. Nếu không có người biết làm thì thời gian kéo dài lâu hơn, gia chủ tìm thuê người rất tốn kém. Những năm gần đây, nứa trên rừng đã “vơi”, việc tìm nứa làm nhà linh xa, nhà xe càng khó khăn hơn; trong khi bảo vệ nguồn lợi từ rừng cũng là việc cấp thiết.
Qua tìm hiểu nhiều nơi, được đi dự đám ma của người Tày ở 1 số địa phương khác trong tỉnh, năm 2016, ông Minh đã đề xuất với chi bộ, đảng viên về việc thay thế nhà linh xa và nhà xe bằng hình thức khác văn minh hơn, giảm tốn kém về sức người và vật chất, vận dụng lâu dài cho cả cộng đồng người Tày của thôn. Thay vì dùng sức người để khiêng linh cữu từ nhà ra mộ an táng, thôn sẽ làm 1 xe tang “đời mới”. Xe tang gồm 2 phần: phần dưới có 4 bánh, khung đặt linh cữu; phần trên là khung sắt, có mái che bằng tôn tháo rời. Linh cữu được đặt lên xe tang, mái che được trang trí giấy theo phong tục truyền thống, mang ý nghĩa giống như nhà xe bằng nứa chở che cho linh hồn người mất. Còn nhà linh xa được thiết kế khung thép vững chắc, xung quanh bắn tôn mỏng và trang trí, dán giấy.
Ông Minh cùng với các đảng viên trong chi bộ đã mất gần 2 năm tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Năm 2018, người dân trong thôn đã đóng góp trên 200 nghìn đồng/hộ để cùng nhau làm 1 xe tang, 1 nhà linh xa trị giá khoảng 30 triệu đồng để phục vụ cho đám tang. Cùng với việc đổi mới, tiết kiệm trong việc tang, ông Minh cũng vận động được nhân dân rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ, từ 3 ngày xuống còn 1 - 2 ngày.
Tháng 4-2021, ông là người uy tín được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong biểu dương người uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ I của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết