Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

TQĐT - Thế giới thơ ca mở ra cho các em thiếu nhi một không gian rộng lớn với những vần thơ ngọt ngào và trong trẻo, những bài hát vui tươi, nhí nhảnh về tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, niềm ước mơ, khát vọng... Từ đó, bồi đắp, nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ thêm phong phú.

Những bài hát như: Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở bản Đôn, Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Em là bông hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn), Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở  (Hoàng Vân), Đi học (Bùi Đình Thảo)... dù ra đời trên dưới nửa thế kỷ nhưng vẫn được các thế hệ trẻ em yêu thích và truyền nhau hát trong các chương trình văn nghệ, trong các buổi sinh hoạt tập thể.

Từng được mệnh danh là “nhạc sỹ của tuổi thơ”, nhạc sỹ Phạm Tuyên có một gia tài âm nhạc đồ sộ với khoảng 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát cho thiếu nhi. Bài hát “Cánh én tuổi thơ” được ông sáng tác vào năm 1987 dựa trên câu ngạn ngữ Pháp “Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”. Ca khúc vang lên như một thanh âm trong trẻo tựa tiếng réo rắt vui ca, mang đến cho người nghe cảm giác bình yên, hồn nhiên của lứa tuổi thiếu nhi.


Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trao đổi với học sinh trường THCS Lê Quý Đôn
(TP Tuyên Quang) về thơ thiếu nhi.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để lại cho nền âm nhạc những ca khúc tuyệt vời về thiếu nhi với giai điệu mê hoặc lòng người, bình dị mà thấm đẫm tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ thiếu nhi. Bài hát là những khúc nhạc vui, hướng trẻ em đến những điều tuyệt đẹp nhất và biết quý trọng tình cảm của gia đình.

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Võ Quảng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi. Những bài thơ thiếu nhi của ông bình dị nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống thường ngày đã truyền cho các em nhỏ lòng yêu thương thế giới cỏ cây, loài vật, từ đó hướng tới yêu cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống thường ngày như: “Cốc, cốc, cốc/Ai gọi đó?/Tôi là Thỏ/Nếu là Thỏ/Cho xem tai…” (Mời vào) hay háo hức khám phá thế giới khi “Ai dậy sớm/Đi ra đồng/Cả vừng đông/Đang chờ đón” (Ai dậy sớm). 

Thơ của Trần đăng Khoa là sự cảm nhận thiên nhiên rất tinh tế. Từ cây chuối, gốc dừa, cho đến đàn kiến hành quân, con cua đồng, chú bướm vàng bên bờ cỏ hay các sự vật hiện tượng như nắng, mưa, mây, gió... tất cả đều trở nên gần gũi, sinh động: “Cậu mèo đã dậy từ lâu/Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng/Mụ gà cục tác như điên/Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi/Cái na đã tỉnh giấc rồi/Đàn chuối đứng vỗ tay cười vui sao!” (Một buổi sáng nhà em).

Với lòng yêu trẻ, các tác giả xứ Tuyên tìm hiểu và sáng tác thơ ca thiếu nhi theo một cách riêng. Qua những bài thơ của mình, Cao Xuân Thái, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã truyền cho các em nhỏ tình yêu với thế giới cỏ cây, loài vật, từ đó hướng các em tới cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống: “Bao nhiêu giỏ phấn/Để thành làn hương/Luyện nên bọng mật/Cho người ngọt thơm” (Giọt mật làn hương). Thơ Lê Na thường viết về thiếu nhi với những mảnh đời kém may mắn như bài thơ “Những đứa trẻ bán rễ cỏ gianh” hay “Chú bé bán ớt chợ Cốc Pài” với những hình ảnh “mắt buồn như nắng”, “trưa nắng hè đang sấy vàng tóc rối”... khiến người đọc cảm thấy nhói lòng.

Dù ngắn gọn, đơn giản nhưng những câu hát, vần thơ dễ nhớ, dễ thuộc ấy đã góp một phần không nhỏ vào việc bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.  Đồng thời, hướng các em đến cái đẹp và biết làm việc thiện, trung thực, biết sẻ chia, sống vì mọi người...  

Bài, ảnh: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục