Dòng chảy văn nghệ

- Văn học nghệ thuật được ví như một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ bởi có mạch nguồn nối tiếp giữa các thế hệ. Với văn nghệ sỹ xứ Tuyên một năm qua đi là thêm một chặng đường mới với những thành quả đáng được trân trọng từ sự lao động nghệ thuật hăng say và nhiệt huyết cống hiến.

Màu sắc mới lạ         

Tiếp nối thắng lợi của những năm trước, năm nay nhiếp ảnh xứ Tuyên tiếp tục giành được thành tích cao tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XXI năm 2022. Giới phê bình nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận rằng, nhiếp ảnh Tuyên Quang có sự tiến bộ vượt bậc. Qua 3, 4 năm gần đây từ tốp cuối vươn lên tốp đầu.

Liên hoan Ảnh nghệ thuật miền núi phía Bắc lần thứ 21 lại được Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại tỉnh Lai Châu. Đoàn Tuyên Quang có 9 tác giả với 12 tác phẩm được chọn treo triển lãm và chấm giải. Đây là số lượng tác giả, tác phẩm khá cao so với các tỉnh. Kết quả, đoàn Tuyên Quang giành 1 Huy chương Đồng với tác phẩm Ba bà cháu người dân tộc Dao đỏ của tác giả Hà Ngọc Hà, 1 giải khuyến khích với tác phẩm Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ của tác giả Nguyễn Mạnh Cường, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Bên cạnh đó, còn có thêm 10 tác phẩm được treo triển lãm như: Sùng Là vào xuân, Lễ leo 38 bậc thang của người Dao quần chẹt ở Phú Thọ, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Lâm Bình, Tuyên Quang của tác giả Mạnh Cường; Tiếng hát quê hương của Hà Thế Đô; Bà kể cháu nghe sự tích nàng Tiên, chú Khách của Lê Quang Hòa; Mùa thu Tân Trào của Nguyễn Hoàng Ngọc; Hoa trên đỉnh Mù Là của Nguyễn Xuân Trường; Củ cải đỏ trên dòng sông Năng của Huy Hà; Ngày hội xuống đồng của Phạm Công Thiên; Người thợ của Đinh Hải Ngọc.

Đoàn Tuyên Quang tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 21 năm 2022 tại Lai Châu. 
            Ảnh: Quang Hòa

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật thì hội viên Tuyên Quang mang đến cuộc thi “màu sắc” mới lạ. Với nhiều tác phẩm có chất lượng, thể hiện phong phú, đa dạng mảnh đất con người, du lịch xứ Tuyên.

Tiếp đó vào tháng 7-2022, Bộ Ngoại giao tổ chức Triển lãm Nét đẹp các cộng đồng dân tộc, tôn giáo Việt Nam tại khuôn viên Nhà làm việc của các tổ chức Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong số 5 tác phẩm được chọn thì có 2 tác phẩm là Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng và Niềm vui bên khung cửi Pà Thẻn của tác giả Lê Hồng Đức được treo tại Triển lãm. Tác phẩm góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, bản sắc của con người xứ Tuyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung đến bạn bè khắp năm châu.

Sáng tạo không ngừng 

Hơn 10 năm qua, Mỹ thuật Tuyên Quang đã hình thành một “thương hiệu” riêng. Năm 2022, Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 27 được tổ chức tại Thái Nguyên. Họa sỹ Tuyên Quang tiếp tục mang đến một làn gió mới với 11 tác phẩm của 10 tác giả được đầu tư kỹ lưỡng với các chất liệu quen thuộc như: Sơn dầu, lụa, acrylic, khắc gỗ… Kết quả, tác phẩm Hương mùa thu của Ma Thị Hiền được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải trẻ.

Họa sỹ Lê Cù Thuần, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ Thuật Tuyên Quang cho biết, theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, bằng nhiều chất liệu khác nhau và phong cách thể hiện đa dạng phong phú, họa sỹ xứ Tuyên mang đến triển lãm nhiều tác phẩm sinh động. Các tác phẩm thể hiện được hơi thở cuộc sống, ý tưởng nhân văn, đặc biệt mang đậm sắc thái riêng, vẻ đẹp riêng của đất và người xứ Tuyên. Các tác phẩm thể hiện lao động nghệ thuật nghiêm túc, cống hiến hết mình của các họa sỹ.

Phân hội Văn học Tuyên Quang có gần 50 hội viên, đa số đã luống tuổi, mái tóc đã pha sương. Với kinh nghiệm, vốn sống phong phú những cây viết vẫn luôn miệt mài sáng tạo tạo nên tác phẩm ấn tượng đầy tính chiêm nghiệm và sâu sắc đăng tải trên Tạp chí Tân Trào, các tạp chí văn nghệ tỉnh bạn và các báo văn nghệ Trung ương.

Đặc biệt Tạp chí Tân Trào xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục thu hút độc giả như: Xứ Tuyên đất và người, Đời có người như thế, Chân dung hội viên, Lý luận phê bình, Văn học dịch… Với các góc nhìn đa chiều, tạp chí là nơi để các cây bút văn chương thỏa sức sáng tạo.  

Các tác giả “gạo cội” như nhà văn Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Đình Lãm; nhà thơ Ngọc Hiệp, Cao Xuân Thái… vẫn luôn cần mẫn sáng tạo trên cánh đồng văn chương. Các bài bút ký, truyện ngắn, thơ tạo được “hiệu ứng” trong lòng độc giả như: Nhớ về Na Hang (Phù Ninh), Anh ấy chỉ có… tiền thôi (Nguyễn Đình Lãm), Tình Bác sáng đời ta (Ngọc Hiệp), Một góc làng tôi (Lê Na)…

Ở mảng âm nhạc và sân khấu các tác giả vẫn âm thầm cho ra lò các tác phẩm mới. Nhạc sỹ Tân Điều, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc chia sẻ, trong năm phân hội đã sáng tác được 15 bài hát. Hy vọng sắp tới những tác phẩm được trình làng trong không gian nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn công chúng.

Trong năm qua, bên cạnh khuyến khích sáng tạo không ngừng nghỉ của văn nghệ sỹ thì Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, trại sáng tác cho văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh để cùng nhau trao đổi, sáng tác quảng bá mảnh đất, con người xứ Tuyên.

Sau một năm cần mẫn lao động nghệ thuật, các văn nghệ sỹ xứ Tuyên đã thể hiện được tài năng của cá nhân trên các lĩnh vực. Đây là những thành quả từ sự lao động nghiêm túc và say mê, nhiệt huyết rất xứng đáng để tôn vinh và trân trọng. Hy vọng rằng bước sang năm mới các tác giả tiếp tục hăng say sáng tạo để tạo được những “đứa con tinh thần” chất lượng và tỏa sáng hơn.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục