Nội lực để phát triển bền vững

- Văn hóa có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong dòng chảy chung của sự phát triển đất nước. Đây là một trong những đột phá chiến lược được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng phát triển văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: “Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Tuyên Quang có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh, khơi dậy trong nhân dân tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống”.

Du khách tham quan di tích đình Tân Trào thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: Quang Hòa

Đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa của dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã quan tâm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về phát triển văn hóa vào điều kiện thực tế của tỉnh. Tỉnh đã coi trọng phát triển văn hóa, con người trên nhiều phương diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với hơn 600 di tích lịch sử, Tuyên Quang được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Dựa trên các giá trị di sản, những năm qua, tỉnh đã xây dựng, thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, danh thắng thành các khu, điểm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Tuyên Quang. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 10 di sản của tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học nhằm bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Một tiết mục biểu diễn tại Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ tỉnh Tuyên Quang.  Ảnh: Quang Hòa

Bên cạnh việc quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh rất chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa. Trong 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên theo Nghị quyết số 15-NQ ngày 22/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh đến hết năm 2020 là 1.228/ 1.733 nhà, đạt 70,85%.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Từ phong trào này, hàng năm đã có 90% trở lên số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa,  80% trở lên số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 60% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 40% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đời sống văn hóa ở cơ sở đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Đời sống văn hóa ở  vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những cải thiện rõ rệt.

Người Cao Lan thôn Đồng Quân, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) duy trì hát Sình ca. Ảnh: Hoàng Bách

Trên lĩnh vực văn học- nghệ thuật, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích giới văn nghệ sỹ trong tỉnh sáng tạo và có bước phát triển mới, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hóa. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hóa, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội được mở rộng.

Phát huy sức mạnh văn hóa 

Công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hóa xứ Tuyên thông qua hoạt động xúc tiến văn hóa, thể thao và du lịch, qua các phương tiện truyền thông báo chí được đẩy mạnh.

Thực hiện định hướng phát triển đất nước 10 năm tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII chỉ ra là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác định các giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển văn hóa, con người là gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng con người và môi trường văn hóa Tuyên Quang hiện đại, có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh; khơi dậy trong nhân dân tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tỉnh tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa các dân tộc. Đồng thời quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến gắn với phát triển du lịch. Song song với đó, tỉnh  phát triển, đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn học nghệ thuật; nâng cao chất lượng sáng tác và chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng và khuyến khích sáng tác, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về đất và người Tuyên Quang.

Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, thực hiện các nhiệm vụ về phát triển văn hóa theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ lưu giữ các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của từng dân tộc, đi liền với bồi đắp cho những giá trị văn hóa đó ngày càng phong phú hơn thông qua các hoạt động trao truyền, quảng bá. Đồng thời quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn hóa trong mỗi gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, trường học, công sở, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm huyết, am hiểu và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội.

Tiến sỹ Hà Thúy Mai, Phó trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, trường Đại học Tân Trào chia sẻ, trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa, luôn nhấn mạnh ý nghĩa của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nhìn nhận ở một khía cạnh nhất định, văn hóa chính là sức mạnh mềm của dân tộc, khi sự hấp dẫn của văn hóa giúp quảng bá hình ảnh, tạo ra sự hấp dẫn cho không chỉ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, mà còn cho cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Để phát huy sức mạnh của văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững đất nước, chúng ta nhất định phải quan tâm hơn nữa đến vị trí và vai trò của văn hóa. Tỉnh cần quan tâm nhiều hơn tới chính sách khuyến khích, vinh danh gia đình văn hóa, công sở văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa để từ đó nhân rộng, lan tỏa những tấm gương tốt, sống đẹp, truyền cảm hứng.

Trẻ em dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai tập luyện điệu múa truyền thống của dân tộc mình.  Ảnh: Hoàng Bách

Nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển văn hóa, con người, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh xác định mục tiêu “Văn học, nghệ thuật không đứng ngoài đời sống xã hội mà thông qua đời sống xã hội để phản ánh đời sống xã hội”. Hội sẽ khuyến khích các hội viên đẩy mạnh sáng tác, truyền tải đến độc giả nhiều hơn những giá trị cốt lõi về đất và người Tuyên Quang. Hội tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức các trại sáng tác để văn nghệ sỹ có thêm nhiều góc nhìn mới về văn hóa Tuyên Quang, đưa vào các tác phẩm của mình. Từ đó tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn trong dòng chảy văn học nghệ thuật của cả nước về mảnh đất và con người xứ Tuyên.

Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc thêm một lần nữa quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Từ đó cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng tạo thành mặt trận nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. 

Đồng chí Âu Thị Mai
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Gia đình là hạt nhân để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ phải “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chúng tôi đã và đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện các chuẩn mực về công tác xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trên địa bàn tỉnh.

Thứ nhất, xây dựng gia đình ấm no là điều kiện đầu tiên đảm bảo cho gia đình tồn tại, ổn định và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, tiến bộ. Vì vậy, muốn xây dựng gia đình ấm no phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình. Nhà nước cần phải có những chính sách năng động và cụ thể hướng vào việc phát triển kinh tế gia đình. Thứ hai, xây dựng gia đình bình đẳng là cơ sở để đảm bảo cho gia đình có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, trẻ em có cơ hội thỏa mãn những nguyện vọng, sở thích chính đáng, những yêu cầu hợp lý và phát triển toàn diện. Tôn trọng thực hiện quyền bình đẳng trong gia đình là điều kiện tốt nhất để xây dựng gia đình văn hóa. Thứ ba, xây dựng gia đình tiến bộ là xây dựng gia đình thực hiện ngày càng tốt các chức năng của mình theo yêu cầu phát triển của xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến chức năng giáo dục thế hệ trẻ. Thứ tư, xây dựng gia đình hạnh phúc, đòi hỏi mọi thành viên phải được đảm bảo các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần. Đó là gia đình luôn yêu thương, tôn trọng nhau, các thành viên sống hòa thuận, các mối quan hệ được thực hiện dựa trên các chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, pháp lý và đạo đức.


Đồng chí Trần Hải Quang
Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh

Bảo tồn, phát huy vai trò của các nghệ nhân

Các di sản văn hóa phi vật thể của Tuyên Quang được bảo tồn và phát huy được như ngày nay có công không nhỏ của các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn trân trọng mời các Nghệ nhân đi trình diễn tại các liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc, khu vực và của tỉnh. Các nghệ nhân còn tích cực tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ những di sản tiêu biểu của dân tộc mình.

Nhờ sự hiểu biết, nhiệt huyết, tình yêu văn hóa truyền thống của cha ông, có trách nhiệm với cộng đồng mà các nghệ nhân đã “thổi hồn” vực dậy nhiều di sản quý như Then của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao, Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Sình ca của dân tộc Cao Lan phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Hiện nay các làn điệu trên đều trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu của tỉnh. Chúng tôi luôn nhấn mạnh, bảo tồn di sản trung tâm vẫn là bảo tồn các nghệ nhân.


Đồng chí Cao Văn Minh

 Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình

Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Lâm Bình chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Những năm qua, huyện Lâm Bình đã chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân mà còn tạo ra những sản phẩm mới về du lịch, góp phần đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Hội nghị lần này tôi mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ có thêm những chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục phát huy, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó, cần chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó cần có thêm các giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa, gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng.


Họa sỹ Nông Ngọc Quý

Giáo viên Mỹ thuật, trường THCS Nông Tiến (TP Tuyên Quang)

Nâng cao chất lượng đội ngũ văn hóa có năng lực, nhiệt huyết

Theo tôi, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa trong tình hình mới đòi hỏi mỗi người phải không ngừng tự trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn,  nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, xung kích đi đầu trong mọi nhiệm vụ, phong trào. Tùy thuộc vào điều kiện vùng miền, địa phương, cán bộ văn hóa cần nắm vững tình hình thực tiễn với phương châm gần dân, trọng dân, hiểu dân, quý dân, lắng nghe dân, dựa vào nhân dân để cùng nhân dân xây dựng và phát triển văn hóa. Đồng thời huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, đảm bảo tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.


Anh Ma Văn Quản

Nghệ nhân hát Then cổ ở xã Bình An (Lâm Bình)

Khuyến khích lớp trẻ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang phát triển thì vai trò của văn hóa càng quan trọng. Văn hóa góp phần làm nên sức mạnh nội sinh, tạo nên niềm tự hào, ý chí tự lực tự cường nhất là trong mỗi người trẻ như chúng tôi. Tôi  kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này gắn kết tinh thần đoàn kết và nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật để nhìn nhận hiện thực phát triển văn hóa trong thời đại hiện nay. Từ đó, đưa ra những giải pháp định hướng hợp lý, cách làm mới, phù hợp để lớp trẻ hướng về nguồn cội. Đồng thời, khuyến khích những hạt nhân văn nghệ trẻ tích cực đam mê cống hiến hết mình, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc thiểu số.

                   

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục