Quảng bá đôi đũa người Tày

- Ở thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) ai cũng biết ông Lưu Ngọc Thăng chuyên làm nghề vót đũa truyền thống của người Tày để bán.

Mỗi tháng, ông xuất cả ngàn đôi ra thị trường, đũa làm ra đến đâu hết đến đó. Sản phẩm của ông không phải làm bằng tre gai, tre chinh mà là tre viền. Ông Thăng cho biết, tre viền trên địa bàn xã Phúc Thịnh không còn nhiều, tập trung chủ yếu ở thôn An Quỳnh. Đặc điểm của tre viền là thân nhỏ bằng cổ chân, nhưng thịt đầy, ruột đặc. Khi chặt lấy sống dao gõ vào cây tre nghe cong cong thì mới chuẩn là tre già. Mỗi cây tre viền chỉ lấy được 3 lóng dưới gốc, có thể vót được từ 20-25 đôi đũa. Tre viền có đặc điểm lóng thẳng không cong vênh, thớ nhẵn, bền hơn các loại tre khác.

Khách hàng tìm đến cơ sở để mua đũa.

Do sản xuất đũa hàng loạt nên ông Thăng cho chặt mỗi đợt cả xe trâu tre viền. Sau đó mang về nhà cắt theo từng lóng, bỏ đầu mặt, vùi vào cát, trên phủ thêm bạt cho tươi để vót dần. Những ngày Covid-19 không đi đâu, hạn chế ra ngoài, cả nhà ông lại tập trung vót đũa. Đầu tiên là công đoạn pha phôi, định hình chiều dài đũa. Theo phong tục người Tày, đũa phải dài đủ 3 nắm tay người lớn, khoảng 30cm. So với đôi đũa của người Kinh ở các vùng miền thì đôi đũa tre của người Tày có vẻ dài hơn. Dù ở xa mâm, nhưng với đôi đũa dài sẽ giúp chủ nhân kiểm soát tốt các món ở xa. Nhất là trong gia đình người Tày hay ở tam đại đồng đường, mâm cơm ngồi đông, ngồi rộng.

Ông Thăng hiện nay đang sản xuất hai loại đũa, đũa vuông và tròn. Dù là vuông hay tròn thì đầu gắp thức ăn bao giờ cũng thuôn nhỏ dần. Để bảo đảm chất lượng, tất cả các đôi đũa đều được gia đình ông làm thủ công. Việc vót đũa rất tỉ mỉ. Sau khi vót xong đũa, ông lấy giấy ráp mịn đánh bóng đũa, rồi mang ra phơi nắng một tuần. Tiếp đó là công việc nhuộm màu đỏ cho đũa bằng việc đun nước lá cơm đỏ, cho thêm quả tai chua, lá thấm lầm. Khi nước đun xong có màu đỏ đặc thì cho đũa vào ngâm một đêm, vớt ra phơi nắng tiếp một tuần. Như vậy màu của đũa bền lâu, không bị mốc. Cứ 10 đôi đũa ông Thăng bó dây nịt thành một bó, giá bán 30 nghìn đồng/bó, tức 3 nghìn đồng cho một đôi đũa tre viền.

Cái nghề vót đũa tre viền của cha ông truyền lại cũng giúp ông có thêm thu nhập trong dịch bệnh Covid-19. Riêng tháng 8, ông bán được gần 2.000 đôi, khách hàng đặt mà không sản xuất kịp. Sản phẩm của ông bán nhiều ở thị trường nội địa, nhất là đồng bào Tày địa phương rất ưa dùng sản phẩm của ông. Ngày nay, đũa tre viền của gia đình đã bán rất nhiều cho cả người Kinh ở thành phố Tuyên Quang. Chị Nguyễn Thanh Lan, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), bạn hàng thân thiết với gia đình khẳng định, so với các loại đũa khác trên thị trường, đũa tre viền vừa rẻ, vừa tốt, mẫu mã đẹp, nhuộm màu tự nhiên an toàn cho người sử dụng. Lúc gắp thức ăn đũa tre viền chắc chắn, có độ dài lý tưởng, đặc biệt không trơn, lực khỏe. Chị Lan hay nhập đũa tre viền của ông Thăng để bán cho khách du lịch. Thông tin phản hồi từ du khách, người sử dụng rất tích cực, điều đó đang mở ra một hướng đi mới cho những sản phẩm truyền thống chất lượng cao như của ông Thăng đang làm.

Với sự tỷ mẩn, khắt khe, ông Thăng đang cho ra lò mẻ đũa tre viền tốt nhất. Qua đây góp phần quảng bá đôi đũa người Tày Chiêm Hóa đến khách hàng gần xa.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục