Tích cực quảng bá văn hóa xứ Tuyên

- Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với 3/4 diện tích là núi đồi với nhiều phong cảnh đẹp. Tỉnh có dân số không phải là nhiều song lại là nơi quần cư của 22 dân tộc anh em. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đường lối phát triển văn hóa của tỉnh đã tập trung bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ngay từ rất sớm Tuyên Quang đã có chiến lược quảng bá văn hóa đất và người xứ Tuyên, phô diễn những vẻ đẹp tinh túy, hồn cốt nhất ra công chúng.

Tiết mục hát Then dân tộc Tày trong Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Ngọc Chiến.

Trước kia chưa xảy ra đại dịch Covid-19 năm nào tỉnh cũng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên với sự diễn diễu của hàng trăm mô hình đèn Trung thu ngộ nghĩnh. Ẩn hiện trong lễ hội vẫn là màn xen ghép nghệ thuật độc đáo với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố như Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc, Chương trình hợp tác du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, Liên hoan trình diễn Di sản phi vật thể quốc gia. Từ đây bản sắc văn hóa xứ Tuyên không những được nhân dân trong nước mà còn cả bạn bè thế giới biết đến. Thông qua lễ hội, tỉnh mời gần 50 đại biểu quốc tế gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố nước bạn có kết nghĩa với tỉnh, các vị đại sứ, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, doanh nghiệp. Tiêu biểu như đại biểu và Đoàn nghệ thuật tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), thành phố Anseong (Hàn Quốc), Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhân chuyến đi giao lưu văn hóa, tỉnh mời đại biểu các đoàn đi tham quan một số khu du lịch tiêu biểu của tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh phân công 29 đoàn công tác tham gia các sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa tại các địa phương nước ngoài.

Các nghệ sỹ thuộc Phân hội Nhiếp ảnh, Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật đi sáng tác thực tế tại xã Hồng Thái, Na Hang, quảng bá mạnh mẽ cho du lịch của tỉnh.

Bằng những kênh truyền thông khác nhau, tỉnh tăng cường quảng bá vùng đất, văn hóa, con người xứ Tuyên đến với công chúng trong nước và quốc tế. Ngoài Báo Tuyên Quang Online (cả phiên bản tiếng Anh), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có Trang thông tin Đối ngoại Tuyên Quang, Sở Ngoại vụ có Bản tin Đối ngoại (song ngữ). Tỉnh tạo điều kiện cho nhiều hãng thông tấn báo chí Trung ương, quốc tế tác nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhiều chuyên đề, phim giới thiệu văn hóa đặc sắc của tỉnh. Báo Thế giới và Việt Nam, Đài truyền hình các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore cử phóng viên tác nghiệp, phát tác phẩm giới thiệu về Tuyên Quang khá ấn tượng. Ngoài ra Tuyên Quang còn đẩy mạnh quảng bá nét đẹp văn hóa của tỉnh qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Từ đó quảng bá đến nhân dân và du khách thấy được tiềm năng bản sắc văn hóa riêng có của tỉnh, độc đáo và hấp dẫn.

Tuyên Quang phục dựng thành công Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 2 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, “Nghi lễ thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Hiện nay, Tuyên Quang và Bắc Kạn đang làm hồ sơ chung, mong muốn đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới trong thời gian tới. Thông qua các di sản tiêu biểu trên, hình ảnh của Tuyên Quang sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh phục dựng lại được nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Lồng tông, Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội giã cốm xã Côn Lôn, Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội Đầm Mây, Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên, Lễ hội rước Mẫu...

Một kênh quan trọng để chuyển tải, quảng bá văn hóa xứ Tuyên ra công chúng chính là các văn nghệ sỹ. Thông qua các chuyên ngành kiến trúc, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, các hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tích cực đi điền dã, mở trại sáng tác nhằm vào các chủ đề chính của văn hóa Tuyên Quang. Cùng với kinh tế và xã hội, tỉnh xác định văn hóa cũng là một trụ cột chính trong chiến lược phát triển của tỉnh. Vận dụng tốt quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và thực tiễn của địa phương, Tuyên Quang đang đi đúng hướng, làm rất tốt trong việc bảo tồn và phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.


Ý kiến trước thềm Hội nghị Văn hóa Toàn quốc

Tăng cường công tác tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm

Đồng chí Dương Minh Nguyệt,
Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Để tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức, lối sống trong đoàn viên, thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng chính trị theo chủ đề, chủ điểm từng tháng thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, các phong trào hành động cách mạng, chương trình đồng hành với thanh, thiếu nhi. Đặc biệt, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho thanh niên tự rèn luyện.

Đoàn khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia tìm hiểu, học tập, gìn giữ các điệu hát dân ca của địa phương như: hát Then, hát Soọng cô, hát Páo dung, hát Sình ca...

Bản thân tôi cho rằng, xây dựng văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu trong xã hội, trước hết cần quan tâm bồi dưỡng đạo đức, lối sống trong thanh niên. Tổ chức Đoàn phải thực sự là nơi để bồi dưỡng, vun đắp những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, Đoàn phải thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, lôi cuốn đoàn viên, thanh niên tham gia.


Đưa văn hóa đi vào thực tiễn đời sống trong doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Thập,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đưa ra nhiều chính sách và giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thực hiện văn hóa doanh nghiệp, những năm qua, công ty luôn hoạt động theo phương châm: Lấy chất lượng làm chữ tín, khách hàng quyết định sự phát triển và tồn tại của công ty. Công ty luôn coi trọng ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các khâu trong sản xuất kinh doanh, tạo môi trường làm việc thân thiện, đảm bảo tính công bằng và minh bạch, tạo dựng một môi trường văn hóa với những giá trị văn hóa chuẩn mực trong doanh nghiệp.


Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa

Ông Triệu Quốc Tuấn,
Chủ nhiệm CLB Văn nghệ dân gian người Dao Quần Chẹt, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương)

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, theo tôi cần hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa. Muốn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về văn hóa trước hết từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua việc tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ văn hóa phải thực sự thấm nhuần vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội. Chính họ là những người tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp những cơ chế, chính sách nhằm phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc. Do đó cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục