Xây dựng phát triển văn hóa con người Tuyên Quang trở thành động lực phát triển

- Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, được ví như một “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Nơi đây đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số với một kho tàng giàu có những lễ hội đặc sắc, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng phát triển văn hóa con người Tuyên Quang trở thành động lực của sự phát triển.

Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa

Tuyên Quang không chỉ là vùng quê giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc. Ai đã tìm về nơi đây hẳn sẽ đắm say và nhớ làn Then, điệu Tính của dân tộc Tày, những câu hát Páo dung, tiếng kèn Pí lè của dân tộc Dao và câu hát Sình ca của người Cao Lan. Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, chia thành từng vùng khác nhau. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng trong bản sắc vùng miền độc đáo. Trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn, khuyến khích người dân tự phục dựng, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán đặc sắc đã có từ lâu đời, nhằm góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Liên hoan hát Then - đàn Tính tỉnh Tuyên Quang năm 2020.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống và nâng cao ý thức trong việc lưu giữ, bảo tồn khôi phục và lưu giữ những tinh hoa của dân tộc mình. Nhờ đó mà rất nhiều phong tục, tập quán đặc sắc như hát Then của dân tộc Tày, hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan,... được khôi phục và bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của người dân cũng như thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc được khôi phục như: lễ hội Lồng Tông ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, lễ hội Cầu May đình Hồng Thái ở xã Tân Trào, lễ hội Động Tiên ở Hàm Yên, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Lâm Bình,... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên núi rừng nơi đây. Từ năm 2014, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên- Lễ hội Trung thu độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì, phát triển và hoạt động có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Các địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay để vận động nhân dân hưởng ứng phong trào, việc bổ sung các nội dung vào quy ước của cộng đồng dân cư để người dân thấy rõ lợi ích và trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, phong trào đã tạo sức mạnh tập thể trong việc xây dựng nông thôn mới, làm đường bê tông, xây dựng xã, thôn, tổ dân phố văn hóa. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chỉ đạo thực hiện tốt nội dung của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó cùng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp... Hằng năm, số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa của toàn tỉnh trên 88%; hơn 80% số thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có  1.183 nhà/1.739 nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên, đạt 68,02%.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị gắn liền với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tỉnh coi trọng thực hiện. Trong đó, coi trọng việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo Bác; cán bộ, đảng viên lựa chọn những việc cụ thể để đăng ký thực hiện việc làm theo. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương người thật, việc thật tiêu biểu với những việc làm thiết thực trong công tác, lao động, học tập và đời sống thường nhật. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng trường học; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả; nhiều nghĩa cử cao đẹp xúc động lòng người trong giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gặp khó khăn, hoạn nạn, nhất là trong phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, nhìn lại những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc; nhận thức của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng văn hóa và con người Tuyên Quang phát triển toàn diện được nâng lên rõ rệt.

Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh cần quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện nghị quyết để văn hóa thực sự đi vào cuộc sống, thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa, xã hội hóa văn hóa tạo môi trường tốt nhất để con người được phát triển toàn diện. Nâng cao chất lượng đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa; thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục