Bản hùng ca tuổi trẻ
Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn nhật ký của nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được viết trong những năm 1968 - 1970 khi chị công tác tại chiến trường Quảng Ngãi, giữa những ngày khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách không chỉ là những dòng nhật ký riêng tư, mà còn là một bản hùng ca tuổi trẻ, lý tưởng, niềm tin và tình yêu nước mãnh liệt của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến.
![]() |
Qua từng trang viết, người đọc cảm nhận rõ hình ảnh một nữ bác sĩ trẻ đầy nghị lực, yêu thương đồng đội, thương xót những người lính bị thương, đồng thời phải vượt qua nỗi nhớ nhà, nỗi cô đơn, cả sự khắc nghiệt của chiến tranh. Xen lẫn những ca mổ trong đêm, những ngày hành quân gian khổ là những dòng suy tư về tình yêu, tuổi trẻ, về khát vọng sống và niềm tin vào ngày đất nước hòa bình.
Cuốn nhật ký được một người lính Mỹ giữ lại sau khi Đặng Thùy Trâm hy sinh và hơn 30 năm sau mới được trao trả về cho gia đình. Cuộc trở về của Nhật ký Đặng Thùy Trâm về Việt Nam là một hành trình đặc biệt, đầy nhân văn giữa những con người từng ở hai chiến tuyến.
Ngày 22/6/1970, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong lúc dọn tài liệu, một người lính Mỹ là Fred Whitehurst - chuyên gia tình báo quân đội, đã phát hiện cuốn nhật ký của chị. Một sĩ quan khác khuyên nên đốt nó đi vì “không có giá trị quân sự”, nhưng Fred đã giữ lại vì cảm nhận đây là những trang viết quý giá của một con người với lòng yêu nước sâu sắc.
Trong hơn 35 năm, Fred Whitehurst cất giữ cuốn nhật ký, luôn mang theo nó khi rời Việt Nam, rồi sang Đức, về Mỹ. Ông và em trai mình, Robert Whitehurst, đã nhiều lần cố gắng tìm cách trả lại cuốn nhật ký cho gia đình Đặng Thùy Trâm. Mãi đến năm 2005, thông qua sự hỗ trợ của nhiều người Việt và Mỹ, cuốn nhật ký đã trở về tay gia đình liệt sĩ, tại Hà Nội, trong một cuộc hội ngộ đầy nước mắt và xúc động. Ngày 2/7/2005, khi Fred Whitehurst trao cuốn nhật ký cho bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ) tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, ông nói: “Đây là lúc cuốn nhật ký trở về nơi nó thuộc về”.
Cuộc trở về này không chỉ là hành trình của một cuốn sách, mà còn là nhịp cầu nối liền hai dân tộc từng là kẻ thù, thể hiện khát vọng hòa bình, sự đồng cảm của những con người từng trải qua chiến tranh.
Sau đó, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2005, nhanh chóng trở thành một hiện tượng xuất bản với hàng trăm nghìn bản in, gây xúc động mạnh trong độc giả Việt Nam và thế giới, trở thành biểu tượng của tuổi trẻ, lý tưởng sống, tình yêu thương đồng loại và khát vọng hòa bình. Những câu chữ giản dị mà đầy cảm xúc, những suy tư trong trẻo mà sâu sắc của Đặng Thùy Trâm đã để lại bài học về lý tưởng sống, về trách nhiệm của tuổi trẻ, và về giá trị của sự hy sinh vì độc lập, tự do.
Cuốn sách là một trong những tư liệu sống động và xúc động nhất về tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh, đồng thời trở thành một trong những cuốn nhật ký được yêu mến và trân trọng nhất trong văn học chiến tranh Việt Nam.
Ngọc Mai
Ý kiến bạn đọc