Phong cảnh vùng cao trong tranh của họa sĩ Phạm Thành tại Triển lãm “Xuôi dòng sông thu 2022”.
Triển lãm trực tuyến “Xuôi dòng sông thu 2022” nhằm góp quỹ “Gieo nhà gặt nhà” vừa kết thúc ba tuần trưng bày và đón nhận tương tác sôi nổi từ các diễn đàn lớn trên mạng xã hội của giới mỹ thuật, như Vietnam Art Space, All About Art and Artists... Kết quả chương trình thu được 372 triệu đồng, sẽ dùng xây nhà mới cho 5 hộ nghèo ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trước đó, vào tháng 6/2022, triển lãm trực tuyến “Gieo tổ ấm 2022” đã bán được 37 tác phẩm, góp quỹ hơn 422 triệu đồng, tương đương 8 căn nhà.
Ban tổ chức cho biết “Xuôi dòng sông thu” năm nay có 120 bức tranh của hơn 70 họa sĩ chuyên nghiệp trên cả nước tham gia, rất nhiều họa sĩ trong số này đã thành danh như: Lưu Công Nhân, Bùi Tiến Tuấn, Doãn Hoàng Lâm, Bùi Văn Tuất, Lê Thế Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Đặng Thị Thu An, Nguyễn Đức Huy, Phạm Thành, Ngụy Đình Hà, Trần Thảo Hiền...
Các tác phẩm tham gia triển lãm và bán gây quỹ trong “Xuôi dòng sông thu” đều có chất lượng nghệ thuật tốt, phong phú về chất liệu như mầu nước, bột mầu, acrylic, sơn dầu, sơn mài, cùng với nhiều phong cách mỹ thuật như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, tả thực, trừu tượng. “Xuôi dòng sông thu” mang đến cho người xem dịp thưởng thức sự đa dạng trong sáng tạo của các nghệ sĩ cùng nhiều cảm xúc đáng quý.
Một điểm nhấn của triển lãm là đấu giá tác phẩm “Chân dung thiếu nữ” của họa sĩ Lưu Công Nhân, khổ 17cmx14cm, được vẽ bằng bút sắt trên giấy dó. Bức tranh có xác nhận của gia đình họa sĩ, có chữ ký của họa sĩ Lưu Công Nhân ở góc dưới phải. Bức tranh do một nhà sưu tập giấu tên gửi tặng, với toàn bộ số tiền bán được dành tặng cho chương trình.
Bên cạnh đó là tấm lòng của rất nhiều họa sĩ với mong muốn mang đến cuộc sống tốt hơn cho những người yếu thế. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (quê Quảng Nam) tham gia triển lãm với hai tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân để gây quỹ từ thiện ủng hộ đồng bào quê hương mình. Trong đó có bức tranh mầu nước trên giấy dó mang tên “Dòng sông thu”-cùng chủ đề với triển lãm-mang đến một không gian đầy mầu sắc và có chiều sâu. Những mảng mầu huyền ảo tạo nên con sông Thu Bồn huyền thoại trong ký ức của họa sĩ và trong trái tim bao người.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất đóng góp cho triển lãm bức sơn dầu “Em bé vùng cao”, vẽ một bé gái với đôi mắt sáng long lanh, tinh nghịch, với làn tóc mai như tung bay trong nắng gió miền núi. Tác phẩm được định giá 24 triệu đồng và họa sĩ đã tặng toàn bộ cho quỹ “Gieo nhà gặt nhà”.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng có tác phẩm được sưu tập giá cao nhất lần này-80 triệu đồng, đóng góp 70% cho chương trình. Nhiều bức tranh phong cảnh thể hiện được kỹ thuật rất khó và khắc họa chủ thể đậm chất Việt Nam cũng được đánh giá cao, như “Giao thoa chốn tịnh trần” của họa sĩ Ngụy Đình Hà, hay “Chiều Tây Bắc” của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan, “Giữa rừng đước xanh” của họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Tâm...
Đại diện ban tổ chức, họa sĩ Ngô Trần Vũ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là người sáng lập quỹ “Gieo nhà gặt nhà” cho biết: “Từ khi bắt đầu vào năm 2018 đến nay, chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống những gia đình nhận hỗ trợ. Họ không chỉ có được mái nhà che nắng, che mưa, thoát nghèo, mà con cái họ lớn lên trong ngôi nhà ấy cũng thay đổi tâm thế khi bước ra xã hội. Tôi rất hạnh phúc khi hạt mầm hội họa chứa sự tử tế và niềm hy vọng có thể gieo cuộc sống mới cho nhiều thế hệ mai sau”.
Các triển lãm của quỹ “Gieo nhà gặt nhà” được tổ chức trực tuyến và diễn ra đều đặn ngay cả trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của giới họa sĩ và các nhà sưu tập. “Nhu cầu thưởng thức và sưu tập tranh hiện đang gia tăng, mô hình triển lãm và đấu giá trực tuyến ngoài gây quỹ từ thiện còn có mục đích trưng bày nghệ thuật một cách rộng rãi tới công chúng, tạo một kênh kết nối các họa sĩ với người có nhu cầu sở hữu tác phẩm”, họa sĩ Ngô Trần Vũ nói thêm.
Diễn ra vào giữa tháng 11, một chuỗi triển lãm thú vị khác với tên gọi “Thời đại chúng ta đang sống” cũng thu hút người dân Thủ đô và du khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Tiếp theo, từ ngày 25 đến 30/11, triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, triển lãm sẽ tiếp tục được mang tới nước Đức, lần lượt tổ chức tại các thành phố Weimar, Berlin và Hamburg.
Đáng chú ý, ban tổ chức cho biết, toàn bộ lợi nhuận thu được từ triển lãm sẽ được dùng để tài trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện ở Việt Nam. “Thời đại chúng ta đang sống” quy tụ 40 họa sĩ với gần 80 tác phẩm đa dạng về chất liệu và phong cách, có điểm chung là được sáng tác từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay.
Toàn bộ lợi nhuận thu được từ triển lãm sẽ được dùng để tài trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện ở Việt Nam.
Nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia triển lãm đã có chỗ đứng và được yêu mến, như: Lương Lưu Biên, Lưu Tuyền, Tào Linh, Lương Trung, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Thái Bình, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Huy, Nguyễn Văn Đức... Một số tác giả đã khá lâu không tham gia triển lãm cũng mang tác phẩm ra mắt công chúng lần này, chẳng hạn nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trở lại với bộ tác phẩm gồm 10 bức tượng phủ sơn mài.
Với cảm hứng xuyên suốt là khoảng thời gian dài đối mặt và vượt qua Covid-19, những bức tranh không chỉ phản ánh mỗi sự lo lắng, bất an mà còn có cả những dự cảm, mong đợi. Đôi lúc, tình thế khó khăn được nhìn bằng lăng kính hài hước, tươi sáng chứ không nặng nề. Từ những hình ảnh quen thuộc với cả cộng đồng như khẩu trang, bộ xét nghiệm, kim tiêm, rào chắn cách ly... cho đến cỏ cây, hoa lá và viễn cảnh tươi đẹp về “bình thường mới” đều được các nghệ sĩ thể hiện sáng tạo, duyên dáng, gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn.
Giám tuyển của triển lãm, bà Sonja A. Fischer (người Đức) đã chủ động liên lạc với các họa sĩ Việt Nam để tìm kiếm và tập hợp các tác phẩm tiêu biểu trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Là một bác sĩ và nhà sưu tập nghệ thuật, thành viên danh dự của Hội Mỹ thuật Hội An (Quảng Nam), bà Fischer sưu tầm tranh Việt từ năm 2004 và tích cực quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam tới công chúng châu Âu.
Gửi phản hồi
In bài viết