Làng rau Trà Quế cách trung tâm phố cổ Hội An chỉ khoảng 2,5 km về phía đông bắc, nếu có thể thì di chuyển bằng xe đạp là lý tưởng nhất. Được bao bọc bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế, nơi đây có không khí trong lành quanh năm.
Nghề trồng rau thành di sản
Với tôi, "bức tranh" Trà Quế đẹp mơn mởn, đầy sức sống với những dải mầu xanh đa dạng sắc độ từ đậm đến nhạt. Thôn xóm chung quanh là những nếp nhà nhỏ đặc trưng nông thôn xứ Quảng với hàng cau thẳng tắp, cây mai trước sân, ngói đỏ tường vàng… Khác biệt lớn nhất so với mấy năm trước có lẽ là việc vắng hẳn khách Tây. Tuy nhiên, vẫn có một số du khách quốc tế đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ, đã nghe danh Trà Quế và tìm đến đây ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa. Hiroki Tanaka (quốc tịch Nhật Bản), sinh viên khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét chuyến đi rất bổ ích đối với việc học của mình, nhưng hơn thế còn là những trải nghiệm đáng nhớ: "Những ruộng rau tươi tốt không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Những người nông dân hiền hậu, chân thành... Vùng quê này gần khu phố du lịch nhưng không xô bồ, ồn ào. Tôi mong sớm có dịp quay lại và sẽ giới thiệu cho bạn bè".
Vào làng rau, dù đi theo tua hay không thì vẫn có cơ hội nghe nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa. Có thể nhập hội với các đoàn khách có hướng dẫn viên để nghe thuyết minh, hoặc hỏi chuyện chính những người dân quê ở đây. Những con đường nhỏ trong làng được đặt theo tên các loại rau, rất thân thiện và dễ thương, như đường Mùng Tơi, đường Rau Cải… Thật thú vị khi biết rằng làng Trà Quế đã được lập từ hơn bốn thế kỷ trước, với danh xưng đầu tiên là Nhự Quế, ngụ ý rau thơm nồng nàn như cây quế. Theo cứ liệu được ghi chép tại làng, vào đầu thế kỷ 18, một vị vua triều Nguyễn du ngoạn trên sông Đế Võng đã ghé làng, vua ăn và cảm nhận rau không chỉ cay nồng như quế mà còn có vị thơm mát của hoa trà, nên đổi danh xưng Nhự Quế thành Trà Quế. Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hiện Trà Quế có 207 hộ chuyên trồng rau với 345 lao động, cho sản lượng gần 800 tấn rau mỗi năm, giá trị đạt hơn 10 tỷ đồng. Làng Trà Quế có khoảng 18 ha trồng 55 loại rau, nổi bật là các loại rau thơm, rau gia vị. Vẫn là húng quế, hành lá, ngò rí (rau mùi), ngò gai (mùi tàu), tía tô, rau é, rau răm, xà lách, diếp cá… nhưng rau Trà Quế đã khẳng định được thương hiệu rau sạch, rau an toàn. Những món ăn địa phương hấp dẫn như cao lầu, mỳ Quảng, cơm gà, bánh xèo… cũng không thể thiếu vị rau thơm Trà Quế. Qua kinh nghiệm truyền đời, nhiều loại rau còn được dùng như các vị thuốc dân gian, có tác dụng giải cảm, chữa phong hàn, phát ban, đau bụng và một số bệnh thông thường.
Tận mắt chứng kiến công việc thường ngày của người dân Trà Quế, sẽ thấy được quá trình vất vả, kỳ công nhưng cũng đầy cảm hứng của họ. Nông dân áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng hóa chất và có hệ thống tưới tiêu tự động hỗ trợ. Song song với đó là duy trì những bí quyết truyền thống để tạo nên những luống rau thơm ngon nổi danh. Chẳng hạn như việc trừ sâu bằng chế phẩm từ tỏi và ớt, trồng xen kẽ các loại hoa dẫn dụ sâu bọ. Hoặc dùng rong chân vịt, rong đuôi chồn vớt từ đầm Trà Quế để làm phân xanh bón ruộng. Ông Mai Cử (55 tuổi), cư dân Trà Quế cho biết, rong phân hủy nhanh, giữ độ ẩm tốt và làm tơi xốp đất. Trong làng, hộ trồng rau nào mà lao động chính tuổi cao sức yếu không đi lấy rong được thì hộ khác sẽ lấy giúp để cùng bón rau. Không chỉ đẹp mắt hay ngon miệng, cây rau nhỏ bé ở Trà Quế còn chứa đựng tình cảm quê hương, xóm giềng đoàn kết, nhân văn như vậy.
Với những giá trị nổi bật, mới đây nghề trồng rau Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hạng mục tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Một ngày làm nông dân
Ca dao xứ Quảng xưa có câu: "Muốn về Trà Quế trồng rau/ Sợ e gánh nước hai gàu không quen" (hoặc "Sợ e gánh nước hai gàu chai vai"). Nhưng đó là chuyện thuở nào, giờ đây, muốn về trồng rau ở Trà Quế, người ta phải trả tiền, đặt chỗ. Trên nền tảng tư vấn và dịch vụ du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, làng rau Trà Quế xếp thứ 6/106 hoạt động vui chơi, trải nghiệm ở Hội An, do du khách bình chọn. Không chỉ đến ngắm rau, chụp những tấm ảnh đẹp, bạn còn có dịp tìm hiểu về các công đoạn trồng rau, thử làm nông dân ra đồng tưới rau hoặc thu hoạch. Ngoài ra, trải nghiệm đạp xe quanh làng, cưỡi trâu, tập nấu các món ăn bản địa... cũng được nhiều du khách đánh giá cao. Giá vé tham quan là 35 nghìn đồng/lượt, các hoạt động khác cũng có mức giá hợp lý, hoặc có thể được miễn phí nếu khách lưu trú tại chính homestay của chủ vườn rau. Tôi đã có dịp tham gia một "cooking class" (buổi dạy nấu ăn cho du khách) với món gỏi (nộm) đu đủ và tam hữu (giọng Quảng phát âm là "tôm hữu"). Với hơn 200 nghìn đồng, các "học viên" từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước ngoài được hướng dẫn nhiệt tình trong không khí giao lưu vui vẻ, rồi thưởng thức luôn món ăn tự tay mình làm. Tam hữu là món ăn đặc biệt do người xứ Quảng sáng tạo. Tam hữu (nghĩa là ba người bạn), nôm na là món ăn gồm ba thức chính: tôm, thịt và rau thơm. Một cuộn tam hữu chỉ đơn giản là một con tôm đất xào chín, kèm theo một lát thịt heo (lợn) luộc và cọng rau húng, được quấn quanh bằng lá hành trụng tái rồi chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Tất cả nguyên liệu đều là sản vật địa phương, đơn giản nhưng kết hợp lại thì trở thành một món ẩm thực ngon và ý nghĩa.
Năm 2015, nhật báo Le Figaro của Pháp đã giới thiệu Trà Quế là một trong 10 điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Việt Nam. Từ năm 2018, Trà Quế đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP gắn liền với du lịch nông nghiệp. Theo thống kê năm 2021 của địa phương, có 45 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, mở nhà hàng, homestay. Hoạt động tham quan làng rau Trà Quế được đưa vào chương trình của hầu hết các tua du lịch của các hãng lữ hành cả trong nước và nước ngoài. Trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" thì kén khách hơn một chút, dành cho những tâm hồn ưa khám phá, muốn tìm về thiên nhiên, quan tâm tới lối sống "xanh" và không ngại lao động nặng nhọc. Hình ảnh các "ông Tây" cao to, quần xắn cao, lom khom cuốc đất, hay những cô gái tóc vàng đội nón lá, gánh đôi gàu nghiêng nghiêng tưới nước… đã không còn xa lạ ở làng rau nhỏ này. Và đáng mừng là không chỉ khách ngoại quốc, mà ngày càng nhiều người Việt Nam cũng tìm đến và thích thú. Bà Đỗ Thị Thanh, một nông dân Trà Quế có hơn 20 năm trồng rau và chuyên bán sỉ, giờ đây cũng đã kiêm luôn công việc hướng dẫn du khách làm đất, rẽ luống, gieo hạt, nhổ cỏ... Bà bảo, thấy khách chăm chú lắng nghe và làm theo, tự mình cũng thấy vui. Một số khách nước ngoài còn chia sẻ trên blog cá nhân hoặc các diễn đàn du lịch về cách "mời gọi", "hẹn ước" đáng yêu, khó chối từ của dân Trà Quế: Sau khi họ tự tay trồng rau, homestay sẽ gìn giữ, chăm bón luống rau đó trong lúc khách tiếp tục đi thăm thú các vùng miền khác của Việt Nam, sau đó hai đến bốn tuần họ có thể quay lại thưởng thức thành quả của mình.
Những năm gần đây, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đã trở thành xu hướng và càng lan tỏa mạnh mẽ. Khi đến với một miền đất mới, du khách không chỉ cần những trải nghiệm ăn, ở mới lạ mà còn muốn tìm hiểu các giá trị của văn hóa bản địa, của cộng đồng. Tiếp bước làng rau Trà Quế, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) cũng dần ghi dấu trên bản đồ du lịch xanh. Cách phố cổ 4 km, vườn rau đẹp như một công viên với hàng chục loại rau, củ, quả theo mùa, xanh mướt từ trên những giàn cao xuống dưới mặt đất. Du khách ngoài tham quan, trải nghiệm làm nông, còn có thể mua các loại trái cây hay sản phẩm khô, chế biến sẵn như siro atiso, trà atiso, trà quế, trà sả,... Điểm nhấn độc đáo của tua du lịch ở đây là trải nghiệm được ngâm chân thư giãn trong nước nấu từ các loại lá thảo mộc, tham gia nấu ăn cùng người dân và thưởng thức ngay tại vườn.
Hiện nay, thành phố Hội An đã xây dựng được 5 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn chặt với hoạt động du lịch, gồm rau hữu cơ Thanh Đông, rau VietGAP Trà Quế, nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, khai thác-tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và nông nghiệp hữu cơ Thanh Tây (phường Cẩm Châu). Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, chính quyền đã đặt vấn đề phát triển bền vững di sản "nghề trồng rau Trà Quế", cũng như khẳng định thành phố sẽ phát triển điểm dừng chân tại làng rau theo hướng chất lượng bên cạnh kết nối làng rau với các điểm đến khác như Cẩm Châu, sông Cổ Cò, Điện Dương… bằng các tua xe đạp, sinh thái cùng với mở rộng không gian du lịch làng rau Trà Quế.
Với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" của Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, xứ Quảng đang nỗ lực trong khai thác thế mạnh, tiềm năng để trở thành địa phương tiên phong của du lịch xanh trên cả nước. Và những làng rau mênh mông mầu xanh như Trà Quế đang góp phần xây dựng thương hiệu du lịch xanh, cuộc sống xanh ở nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết