Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 140 nghìn con trâu, bò; trên 500 nghìn con lợn và hơn 7 triệu con gia cầm. Với điều kiện chăn nuôi đa phần là nhỏ lẻ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, người dân chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến khâu xử lý chất thải chăn nuôi, khiến mầm bệnh phát tán trong môi trường khá nhiều. Do đó việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, cắt đứt được vòng truyền lây nhiễm mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Anh Hoàng Văn Trưởng, thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên) kiểm tra dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Đánh giá hiệu quả của việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, anh Hoàng Văn Trưởng, thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên) cho biết: “Sau gần 10 năm chăn nuôi, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Thông thường, thời điểm tháng 2, 3 thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao, mưa nắng thất thường, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, ngoài tiêm đầy đủ các loại vắc xin, gia đình chủ động mua thuốc sát trùng về để phun toàn bộ chuồng trại với tần suất 1 lần/tuần; đồng thời, thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, kèm theo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, bổ sung chế độ ăn hợp lý, sau nhiều năm chăn nuôi, tổng đàn lên đến hàng vạn con gà/lứa vẫn phát triển khỏe mạnh”.
Cũng như anh Trưởng, gia đình chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) luôn coi công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi là một trong những giải pháp tốt nhất để phòng bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Chị Vân chia sẻ, chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt là chất thải nếu không được thu gom, vệ sinh sạch sẽ, khử trùng thường xuyên sẽ rất dễ phát sinh mầm bệnh. Vì vậy, gia đình chủ động giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và môi trường xung quanh; thu gom chất thải để xử lý. Đồng thời, thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi.
Để việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thủy sản tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm và phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Đơn vị cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để người dân, nhất là các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện; tổ chức tập huấn kỹ thuật phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho nhân viên thú y cấp xã và lực lượng trực tiếp tham gia. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường giám sát, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phun tiêu độc, khử trùng để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật và phương tiện.
Hết lứa lợn, chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn (Yên Sơn) lại vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi.
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, hàng năm tỉnh đã có văn bản triển khai nhiều đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Nhờ vậy, các ổ bệnh cúm, dịch tả lợn châu Phi và một số bệnh dịch nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế, không để lây lan ra diện rộng.
Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng như hiện nay. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động, tích cực trong việc vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi của gia đình mình.
Gửi phản hồi
In bài viết