Thị trường vé bóng đá bấp bênh dẫn tới giá cả cũng nhảy loạn và không có mức chung. (Ảnh: CTV/TTXVN)
Vé xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản diễn ra ngày 11/11 tới tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 được bán hết và đã tới tay khán giả trước ngày 4/11 vừa qua.
Toàn bộ số vé trên được bán hết sạch chỉ sau 10 phút mở bán, cho thấy sức hút lớn từ cuộc chạm trán hấp dẫn ở giải đấu lớn của châu lục. Đặc biệt, hơn 1 năm qua, trận đấu của tuyển Việt Nam mới lại đón khán giả nên sự quan tâm của người hâm mộ càng tăng lên.
Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng thay đổi khi tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội trở nên phức tạp với những ca nhiễm cộng động mới vào thời điểm trận đấu Việt Nam - Nhật Bản cận kề.
Người hâm mộ còn e ngại Covid-19
Ngay sau thời điểm vé trận Việt Nam - Nhật Bản tới tay người mua, nhiều hội nhóm rao bán vé bóng đá nhanh chóng hoạt động trở lại sau thời gian dài, kèm theo những bài đăng cùng mục đích mua và bán liên tiếp được cập nhật.
Ban đầu, giá vé được rao bán với giá gấp khoảng 2 - 3 lần ở thời điểm ngày 5/11. Nhiều "cò vé" năng nổ hoạt động với mục đích thu gom vé để chờ ăn lãi khi giá được đẩy cao vào sát ngày diễn ra trận đấu.
Thế nhưng, mọi thứ thay đổi ngay khi ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội vào ngày 5/11.
Thị trường mua bán vé ảm đạm dần. "Tay buôn" không còn dám gom vé số lượng lớn với giá cao, trong khi nhiều người hâm mộ cũng chọn cách bán vội vé xem vì vừa lo ngại dịch bệnh vừa tranh thủ có giá tốt.
Theo phóng viên ghi nhận vào sáng 8/11, trong những hội nhóm mua bán vé, "tay buôn" chỉ mua lại vé với giá gấp khoảng 1,5 lần giá gốc và gấp 2 lần với những tấm vé có chỗ ngồi đẹp.
Trong khi đó, nhiều người hâm mộ cũng bắt đầu bán lại vé với giá gốc. Liên tiếp những bài đăng, bình luận từ những người bán đơn lẻ được cập nhật.
Liên hệ với một người bán vé trên mạng xã hội, anh Toàn ở Hà Nội cho biết, do dịch Covid-19 phức tạp nên lo ngại và không muốn tới sân Mỹ Đình, nơi dự kiến có khoảng 12 nghìn người tập trung để theo dõi trận Việt Nam - Nhật Bản.
Tình hình "giảm nhiệt" của thị trường vé xem bóng đá cũng không chỉ xuất hiện trên những hội nhóm, "chợ trực tuyến" ở mạng xã hội.
Trước đây, khoảng 3 ngày trước khi trận đấu chính thức diễn ra, bên ngoài sân vận động Mỹ Đình luôn nhộn nhịp cảnh "cò vé" hoạt động, mồi chài người mua. Có thời điểm số lượng này quá đông, gây ách tắc.
Tuy nhiên, tới sáng 8/11, bên ngoài sân Mỹ Đình có khung cảnh ảm đạm, không nhiều "kẻ mua, người bán." Nhiều "cò vé" cho biết không có khách mua như trước và cũng không dám ôm nhiều vé mệnh giá thấp vì sợ lỗ.
Hình ảnh bán vé ảm đạm bên ngoài sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: CTV/TTXVN)
Giá vé "chợ đen" bất ổn
Thị trường vé bóng đá bấp bênh dẫn tới giá cả cũng nhảy loạn và không có mức chung nào. Nếu người hâm mộ chân chính tìm mua vé thì có thể gặp giá đắt hoặc rẻ tùy vào người bán.
Ở "chợ đen" bên ngoài sân Mỹ Đình, cặp vé có giá gốc 2.400.000 đồng được giao bán đắt hơn từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng tùy vào người bán. Phụ thuộc vào thỏa thuận khi mua, giá vé còn thay đổi nhiều nữa, thậm chí có thể chênh rất cao so với giá gốc.
Với các hội nhóm mua bán trực tuyến, người hâm mộ có thể mua giá gốc nếu may mắn gặp được người bán vì không muốn đi xem nên nhượng lại.
Tuy nhiên, nếu ai muốn mua số lượng lớn cho hội nhóm, cơ quan thì dễ gặp phải "tay buôn" với giá ít nhất gấp 2 lần giá gốc.
Ở một trường hợp khác, nhiều người hâm mộ khi mua vé trực tuyến từ ứng dụng VinID chỉ đặt 1 vé duy nhất và bây giờ muốn bán lại. Mức giá cho 1 vé lẻ loi thường đúng với giá gốc nên sẽ rẻ với ai có nhu cầu đi xem một mình.
Ngược lại, nhiều "tay buôn" gom những vé lẻ này lại và bán thành cặp với giá rất cao nên người hâm mộ khi mua vé cần để ý kỹ vị trí ngồi để xem hai vé cùng cặp có cùng dãy, số ghế hay không.
Tình trạng mua bán vé xem bóng đá mỗi khi có sự xuất hiện của đội tuyển Việt Nam luôn sôi động những năm qua. Ở thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, mọi thứ càng trở nên rối loạn hơn. Song, điểm chung vẫn là rất đông người hâm mộ chân chính không thể mua vé giá gốc để tới sân theo dõi.
Gửi phản hồi
In bài viết