Nhà máy điện hạt nhân Takahama đã hơn 40 năm tuổi.
Nằm ở tỉnh Fukui trên đảo Honshu lớn nhất Nhật Bản, Nhà máy Điện hạt nhân Takahama vận hành từ năm 1974 và là nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của xứ sở Mặt trời mọc. Trong lần khởi động lại này, Công ty Điện lực Kansai (KEPCO) chịu trách nhiệm vận hành nhà máy, với lộ trình bắt đầu sản xuất điện vào ngày 2-8 và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa vào khoảng ngày 28-8. Takahama là nhà máy điện hạt nhân thứ hai được kích hoạt trở lại trong thời gian gần đây.
Từ khi thảm họa hạt nhân tại Nhà máy Fukushima diễn ra vào năm 2011 đến nay, hầu hết lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, những yêu cầu về năng lượng buộc quốc gia Đông Á này phải kích hoạt lại hàng loạt lò phản ứng, trong đó có nhiều hạ tầng “cổ xưa”. Nhật Bản hướng tới mục tiêu đưa năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 20-22% trong cơ cấu năng lượng toàn quốc vào năm 2030. Tuyên bố chính thức của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản nêu rõ, Chính phủ nước này muốn "bảo đảm nguồn cung điện ổn định, song vẫn khuyến khích việc sử dụng các nguồn điện không phát thải các bon".
Để hiện thực hóa nỗ lực trên, Nhật Bản đã điều chỉnh nhiều quy định trong luật. Trước đây, luật pháp nước này giới hạn thời gian hoạt động tối đa của lò phản ứng hạt nhân là 40 năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã cho phép gia hạn thêm 20 năm, dĩ nhiên tất cả các yêu cầu phải được đáp ứng và các cuộc kiểm tra phải được thông qua. Tới cuối tháng 5 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản thậm chí thông qua thêm một đạo luật mới về niên hạn lò phản ứng hạt nhân, qua đó bổ sung ngoại lệ cho các trường hợp ngừng hoạt động do "không lường trước", như thay đổi quy định an toàn hay lệnh tạm thời dừng hoạt động do tòa án ban hành. Tất nhiên, việc sử dụng lại các lò phản ứng nhóm này vẫn phải được đơn vị giám sát an toàn hạt nhân phê duyệt. Việc thông qua đạo luật này được Nhật Bản nêu rõ là nhằm hồi sinh nền công nghiệp năng lượng hạt nhân để "tạo hệ thống cung ứng điện cho một xã hội không phát thải các bon".
Việc Nhật Bản ngày càng quyết liệt trở lại với điện hạt nhân, loại năng lượng từng chiếm tới 30% tổng lượng điện tiêu thụ, là điều dễ hiểu. Trước hết, tuy rằng phần lớn người dân nước này phản đối việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima, nhưng thái độ này đã thay đổi trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, mùa hè nóng nực cùng với các biện pháp tiết kiệm năng lượng mang tới những trải nghiệm không hề dễ chịu. Thăm dò của Nikkei Asia cho thấy, 53% người Nhật Bản được hỏi ủng hộ mở lại các nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản cũng coi cách làm này là một phần trong quá trình “chuyển đổi xanh”, đáp ứng các mục tiêu về môi trường.
Thứ hai, cuộc chiến tại Ukraine leo thang đã “đổ dầu vào lửa”, đe dọa nguồn cung năng lượng của Nhật Bản. Phải nhập khẩu 98% nhiên liệu tiêu thụ trong nước, đảo quốc Mặt trời mọc dù là đồng minh của Mỹ nhưng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là từ Nga. Tình hình hiện nay buộc Nhật Bản phải xem xét thúc đẩy tận dụng và xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới trên cơ sở kiểm chứng được mức độ hiệu quả và an toàn.
Để hiện thực hóa tham vọng bảo đảm an ninh năng lượng, nội các của đương kim Thủ tướng Nhật Bản hiện nay đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có “thu hút sự hiểu biết của công chúng” về năng lượng bền vững và năng lượng hạt nhân. Nhật Bản cũng thúc đẩy hợp tác với các đối tác Mỹ trong phát triển công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới, với điểm nhấn là các lò phản ứng nhanh và lò phản ứng cỡ nhỏ (SMR).
Nhìn chung, trong tiến trình bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, Nhật Bản có quyền chọn lựa điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc triển khai luôn phải chú trọng tính hiệu quả và độ an toàn, qua đó bảo đảm được sự ủng hộ của người dân, cũng như đóng góp tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết