Việc dạy và học thời chuyển đổi số

- “Có một người thầy tốt sẽ có nhiều thế hệ học trò tốt” là câu nói về vai trò, tầm quan trọng của người thầy. Vai trò của thầy, cô giáo càng trở nên quan trọng khi mọi mặt, mọi lĩnh vực của cuộc sống đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong thời kỳ công nghệ số hóa, mối quan hệ giữa thầy và trò có nhiều thay đổi để thích nghi với thời đại, song vẫn đúng chuẩn mực và giữ gìn được văn hóa học đường.

Thay đổi để thích ứng

Thầy Hoàng Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Huyên cho rằng: Ngày nay, khi công nghệ phát triển vượt trội và học sinh có thể tự học, thì giáo viên lúc này không còn là người độc quyền truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thầy cô chỉ là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học. Thầy Khánh bảo: “Xã hội thay đổi, người thầy cũng phải nỗ lực thay đổi, thích ứng. Thầy, cô phải tự cập nhật, đóng vai trò định hướng học trò tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Người thầy thay vì thể hiện thế “quyền uy”  lại trở thành người đồng hành, sẻ chia, thông cảm, khích lệ và tạo điều kiện cho học trò phát triển”. Để thích ứng với thời đại và yêu cầu của công tác giảng dạy, thầy Khánh đã phải tự học sử dụng thành thục máy tính, cách tải các phần mềm, các ứng dụng phần mềm dạy học, quản lý…

Thầy Khánh giờ làm công tác quản lý chuyên môn, công nghệ số đã giúp công tác quản lý của thầy thuận lợi hơn rất nhiều. Thầy chia sẻ, với 60 giáo viên nhưng ngày nào thầy cũng kiểm soát được việc lên lớp, chuẩn bị bài giảng của đồng nghiệp, nắm bắt được việc học của học sinh qua phần mềm giao bài tập về nhà mà nhà trường đang ứng dụng.

Đồng quan điểm với thầy Khánh, cô giáo Vũ Thị Tuyên, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Tân Trào cũng nhìn nhận vai trò của người giáo viên đã thay đổi.  “Mới 42 tuổi mà đôi khi, tôi đã cảm thấy mình bị đứng lại đằng sau. Lượng kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin quá lớn. Học trò bây giờ rất giỏi, có thể nói tới những điều mà cô giáo không biết chứ không phải chờ cô nói thì trò mới được mở mang. Học trò có thể học bất cứ ở nơi nào, bất cứ nơi đâu trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, thầy giỏi bây giờ là người hướng dẫn và truyền động lực, đam mê cho học sinh chứ không chỉ là truyền dạy kiến thức”.

Cô giáo Đàm Bích Ngọc, giáo viên dạy môn tin học, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên hướng dẫn
học sinh vào phần mềm học trực tuyến môn tin học.

Cô Tuyên đã bắt kịp thời đại số hóa, 100% bài giảng được cô áp dụng phần mềm dạy học, soạn giảng. Vì thế, cô đã rèn được kỹ năng cho học sinh, hướng học sinh chủ động trong học tập. Em Lộc Thùy Linh, học sinh lớp 11D2, Trường THPT Tân Trào nhận xét, giờ văn của cô Tuyên rất hay, cách dạy của cô luôn tạo hứng thú cho chúng em, cô có hình ảnh minh họa, kiến thức rộng, giúp học sinh luôn muốn tìm tòi để hiểu sâu.

Hết lòng với nghề, cô Tuyên không dừng ở việc truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa mà luôn có những cách gợi mở, liên hệ thực tiễn đời sống, mở rộng kiến thức. Cô Tuyên kể, có lần thiết kế một bài giảng đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong ứng dụng phần mềm giảng dạy mất 1 tháng. Nhưng sau lần đó lại giúp cô nhiều trong thực hiện ôn luyện học sinh giỏi. Còn chuyện trăn trở, thiết kế bài giảng đến 1 - 2 giờ sáng là chuyện thường. Tâm huyết đó của cô Tuyên đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi, trong đó nhiều em đạt giải cao học sinh giỏi văn cấp tỉnh như em: Phan Thanh Chúc, Phan Thị Hà… đạt giải nhì cấp tỉnh môn Văn, giờ đã là tân sinh viên của các trường đại học danh tiếng.

Với vai trò của “người lái đò” cô Tuyên đã “chở” thành công nhiều lớp học trò cập bến bờ tri thức. Cô giữ vững danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh từ năm 2014 đến nay, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2020.

Cô Tuyên chia sẻ, điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là tri thức khoa học của người thầy phải hoàn thiện, phong phú, sâu sắc hơn. Ngày xưa giáo viên chủ yếu giảng “chay”, nhưng bây giờ, nếu cứ như vậy thì coi như không hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chính sự phát triển của xã hội, yêu cầu người thầy phải tự bồi đắp, nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Và theo cô, học sinh hiện nay đã thay đổi so với các thế hệ trước đây rất nhiều. Do đó, giờ đây, mỗi giáo viên không chỉ là người dạy học tốt mà còn phải là một nhà giáo tốt. “Giáo viên không nên ngại chuyện trở thành bạn của học sinh. Nếu người giáo viên có kiến thức, có phương pháp sư phạm tốt, hiểu về tâm sinh lý của trẻ để ứng xử, phục vụ trong dạy học đạt được hiệu quả thì tôi nghĩ, vị thế của người thầy không những không bị hạ thấp mà còn được nâng lên rất cao trong mắt học trò và cả xã hội”.  

Công nghệ thêm gắn kết tình nghĩa thầy trò   

Công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trong việc tìm hiểu thông tin, kiến thức thông qua mạng internet. Tuy nhiên, trước nguồn thông tin đa dạng, phong phú và phức tạp hiện nay, nếu người học không biết chọn lọc thì dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin xấu, thông tin không chính thống gây hiểu sai sự việc. Bởi vậy, thầy cô là người đồng hành, người truyền cảm hứng học tập, đồng thời lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận, quan niệm của các em về cuộc sống, từ đó định hướng cho các em có những suy nghĩ và hành động đúng theo lứa tuổi, chuẩn mực đạo đức. Bởi vậy, khoảng cách của thầy và trò càng được rút ngắn, gắn bó bởi sự quan tâm, chăm sóc, bảo ban.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, trường THPT Sơn Dương hướng dẫn học sinh giải toán trong giờ giải lao.

Xác định rõ mối quan hệ của thầy và trò thời đại số hóa cần có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển nhưng phải đảm bảo tính chuẩn mực về đạo đức, cô giáo Tuyên, tâm sự: “Đối với giáo viên dạy Văn, việc định hướng cho các em càng trở nên quan trọng. Bởi dạy Văn không chỉ dạy kiến thức mà còn cần dạy các em về lễ, nghĩa, nhân, trí, tín, dạy các em học làm người, học cách yêu bản thân, yêu con người và cuộc sống xung quanh. Đây sẽ là hành trang vững chắc để giúp các em bước vào đời”. Học sinh cũng cảm nhận rõ việc cô giáo vừa là người truyền kiến thức, vừa là người chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống. Em Nguyễn Đức Huy, lớp 11D2, trường THPT Tân Trào chia sẻ, đối với em cô Tuyên không chỉ là cô giáo, mà cô như “người bạn” đồng hành cùng em trong cuộc sống. Chính sự gắn bó này, cô Tuyên đã thành công trong công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm.

Thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của học trò, cô giáo Đàm Bích Ngọc, giáo viên dạy môn Tin học, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên bày tỏ: “Muốn truyền lửa cho các em học sinh thì bản thân mình phải có “lửa”, lửa đam mê, lửa của kiến thức, lửa của sự yêu thương. Mỗi người đều có cách truyền lửa khác nhau nhưng để các em có niềm đam mê với học tập, trước tiên thầy cô phải yêu thích, tâm huyết với mỗi giờ lên lớp, sau đó khơi dậy hứng thú học tập, nghiên cứu, sáng tạo của các em với môn học đó”.

Em Phan Dương Bảo Linh, lớp 12C4, trường THPT Nguyễn Văn Huyên bày tỏ: “Giờ học của cô Ngọc luôn rất sinh động, chúng em chưa khi nào học “chay” mà cô luôn ứng dụng các phần mềm chấm điểm trực tiếp, phần mềm trả lời câu hỏi KaHoot… khiến giờ học hứng thú và chúng em luôn mong chờ”. Dưới sự chỉ bảo của cô Ngọc, Phan Dương Bảo Linh 3 năm liền đạt giải khuyến khích môn tin học cấp tỉnh. Em Linh bảo, với em cô Ngọc như người bạn đồng hành cả trong học tập lẫn trong cuộc sống. Cô hiểu cả tính cách, suy nghĩ của em và luôn cho em lời khuyên đúng lúc, đúng thời điểm em cần.

Tâm huyết, sáng tạo, cô Ngọc đã tham mưu cho lãnh đạo trường THPT Nguyễn Văn Huyên ứng dụng nhiều phần mềm vào giảng dạy, quản lý học sinh hiệu quả. Tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo ứng dụng phần mềm PLICKERS vào dạy môn tin học toàn tỉnh.

Đối với thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, giáo viên dạy toán, trường THPT Sơn Dương thì tình thầy trò thời nay đã rút ngắn khoảng cách rất nhiều. Thầy giờ đóng vai trò là người đồng hành, dẫn dắt chứ không áp đạt và kiểm soát như trước. Thầy Tuấn bảo, thời đại công nghệ số mà, các em liên lạc, học tập ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều khi hướng dẫn các em ngoài giờ còn nhiều hơn trên lớp.  Môn toán, về cơ bản là khó nên việc hướng dẫn các em cần nhiều thời gian nên thầy trò gần gũi hơn. Ngoài việc học tập, nhiều em hỏi ý kiến thầy những vấn đề trong cuộc sống, đôi lúc còn tâm sự cả chuyện gia đình, tình cảm. Giáo viên, giờ vừa phải làm tốt vai trò giảng dạy, định hướng, vừa là bạn của học sinh chứ không như ngày xưa, nhìn thấy thầy chỉ dám đứng xa chào. “Tuy vậy, đứng trên cương vị của người thầy, mình luôn giữ những tôn nghiêm nhất định, đảm bảo yếu tố học sinh gần gũi nhưng nể trọng”. 

Với cách giảng dạy chuyên sâu, chỉ bảo tận tình, năm nào học sinh do thầy Tuấn huấn luyện cũng có giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó có nhiều em đạt giải nhì cấp tỉnh môn toán. Thầy Tuấn là giáo viên dạy giỏi, Tổ phó tổ chuyên môn toán của trường THPT Sơn Dương.

Thời nào cũng thế “tôn sư, trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Thời đại công nghệ số lại càng gắn kết tình cảm giữa thầy và trò.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục