“Mười lăm năm ấy, ai quên
Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Mái Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào của vùng đất Tuyên Quang vinh dự là những “nhân chứng” lịch sử chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, trong đó có Quốc dân Đại hội Tân Trào (8/1945). Những giờ phút lịch sử sôi sục của mùa thu tháng Tám năm 1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Đảng, Bác Hồ, là sự đoàn kết và nhất trí cao của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai trong lịch sử dân tộc ta, là tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu như Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương - đây là chủ đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn luận nhiều, trong đó vấn đề xây dựng HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, điều đó lại càng ý nghĩa hơn khi Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân nhằm mục tiêu hướng đến năm 2030 “Cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương”. Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình”.
Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc xây dựng chính quyền các cấp, đặc biệt là những quyết nghị của HĐND địa phương, tại Điều 80 (Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945) về quyền hạn và phân công của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ghi rõ: “Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình. Những quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Hội đồng có thể hỏi ý kiến các nhà chuyên môn trước khi quyết nghị một vấn đề có liên can đến một hay nhiều ngành chuyên môn” . Điều này tiếp tục được thống nhất và khẳng định tại Điều 59, Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Ban soạn thảo.
Khẳng định vai trò quan trọng của HĐND các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ, chính quyền địa phương cơ sở là cơ quan nhà nước gần gũi nhất với nhân dân, hiểu rõ nhất về nhân dân, do vậy, phải thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm trước nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước từ đó cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách biện pháp thiết thực, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương. Điều này trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều lần trong các hội nghị, cuộc họp Quốc hội đó là quá trình xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND phải thể hiện rõ phương châm “ý Đảng hợp với lòng dân”.
… đến thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Tuyên Quang
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 140 km đường bộ về phía Bắc, diện tích tự nhiên 5.870 km2, dân số trên 88 vạn người với 22 dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56,7%). Tuyên Quang được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ, cùng khí hậu mát mẻ; là vùng đất lịch sử, là địa phương vinh dự được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, là “Thủ đô Khu giải phóng” - “Thủ đô Kháng chiến”… gắn với nhiều hoạt động quan trọng khắc ghi hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta trong những năm tháng gian nan, thử thách. Với bề dày truyền thống lịch sử của quê hương cách mạng, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua luôn xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, được nhân dân đánh giá cao và ghi nhận.
Trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh đã có nhiều điểm mới như: Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học; điều hành kỳ họp linh hoạt, phát huy dân chủ và trách nhiệm của đại biểu cùng các cơ quan liên quan. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số từ rất sớm (năm 2017) - “kỳ họp không giấy”; Đa dạng hóa nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri; bố trí 50% phiên họp truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang online, fanpage Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; thực hiện giám sát thường xuyên, hằng tháng về những vấn đề “nóng”, “nổi cộm” và những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh... Tuy nhiên, trong nội dung bài viết này, tác giả xin nhấn mạnh vào vai trò của HĐND cấp tỉnh trong việc kịp thời ban hành các Nghị quyết, các chính sách, biện pháp thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, qua đó góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đây cũng là những điểm nhấn quan trọng, nổi bật trong hoạt động của HĐND tỉnh Tuyên Quang thời gian qua.
Qua hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay với 15 kỳ họp (07 kỳ họp thường lệ, 08 kỳ họp chuyên đề), Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo HĐND tỉnh ban hành 191 nghị quyết về biện pháp, chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trọng tâm là thực hiện tốt 03 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 03 khâu đột phá, 05 nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã đề ra. Trong đó nổi bật một số Nghị quyết sau:
Thứ nhất: Việc ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025
Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, chiều dài đường giao thông nông thôn khá lớn gây nhiều ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân, tới sự phát triển kinh tế của bà con nhân dân. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn tới các em học sinh khi con đường đến trường gặp nhiều trở ngại mỗi khi mùa mưa lũ về khiến nước suối dâng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nhân dân thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) làm đường bê tông nông thôn. Nguồn: Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định ba khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó khâu đột phá thứ ba: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại . Để góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống; ngay sau Đại hội XVII chỉ hơn 1 tháng (35 ngày) HĐND tỉnh khoá XVIII hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, việc ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt của HĐND tỉnh trong việc cụ thể hóa kịp thời một trong ba khâu đột phá quan trọng của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Kịp thời ngay từ phương châm tiến hành, trước năm 2016, nhìn chung phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” chưa phát huy được tối đa nguồn nhân lực trong nhân dân, ở một số nơi, người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước; do vậy nhiều công trình còn rất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. HĐND tỉnh đã tiếp tục nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân và chuyển phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Phong trào đi vào thực tiễn đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hiến đất để làm đường của nhiều tổ chức, cá nhân. Qua 02 năm (2021-2022) triển khai thực hiện, đến hết tháng 12/2022 toàn tỉnh đã cung ứng 70.480,11 tấn xi măng, 5.675 ống cống để bê tông hóa được 480,22 km đường giao thông nông thôn.
Đến ngày 31/12/2022 đường thôn 243 km, đạt 40% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường thôn được bê tông hóa lên 2.969km, đạt tỷ lệ 75,1%; Đường nội đồng thi công được 237km, đạt 51% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường nội đồng được bê tông hóa lên 843,28 km, đạt tỷ lệ 51%. Đồng thời thực hiện thi công xong và đưa vào sử dụng 38/38 cầu thuộc kế hoạch năm 2021, hoàn thành công tác lao lắp dầm 28/39 cầu và triển khai thi công hoàn thiện móng mố đối với 11/39 cầu trên đường giao thông nông thôn (thuộc kế hoạch năm 2022). Trong năm 2023 dự kiến khởi công 39/39 (thuộc kế hoạch năm 2023) .
Những kết quả đạt được từ Nghị quyết 55 đã làm cho diện mạo nông thôn đổi thay tích cực, xóa bỏ tình trạng chia cắt cộng đồng; kết nối liên vùng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện hoàn thiện hệ thông giao thông nông thôn tại địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giao thương hàng hóa, vận tải, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, các em học sinh được đến trường, đến lớp an toàn trong mùa mưa lũ mà không phải nghỉ học như trước đây.
*Thứ hai: Ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/07/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Xác định rõ thế mạnh của địa phương, trong đó nông, lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, là một trong ba lĩnh vực đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới .
Sản phẩm chè San Tuyết- Hồng Thái, Na Hang sản phẩm OCCOP tỉnh Tuyên Quang
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước, đối với lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/07/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Các chính sách hộ trợ cụ thể: Chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng; về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất nông sản xuất khẩu; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại; hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới; xây dựng đường giao thông ngõ, xóm; xây dựng bể Biogas hoặc bể tự hoại; cải tạo vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; xây dựng thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Những nội dung này trước đây “tản mát” tại 07 Nghị quyết và 03 Quyết định - nay đã được bổ sung, thay thế trong Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, điều này tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng dân cư, chủ trang trại và người nông dân dễ tiếp cận chính sách, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Qua hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết đã có 968 tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí đã hỗ trợ 19.947,74 triệu đồng. Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, liên kết chuỗi; duy trì hiệu quả 05 vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190.000 ha, vùng cam trên 8.000 ha, vùng chè 8.400 ha, vùng bưởi 5.000 ha, vùng mía 2.200 ha) và trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ (chuỗi sản xuất, chế biến chè; gỗ rừng trồng; mía đường; dong giềng; mật ong; trâu thịt; cá đặc sản...).
Xây dựng được 62 sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhãn hiệu hàng hóa; 24 cơ sở được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 191 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (150 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 5 sao); có 04 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như: Cam sành Hàm Yên; chè Shan tuyết, huyện Na Hang; Bưởi Soi Hà, huyện Yên Sơn, Trâu ngố Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa,... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng .
Kết quả đó cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo ra cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Qua đó, giúp cho người dân tháo gỡ được những khó khăn đặc biệt về nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh sản xuất tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Người dân được làm giàu trên chính mảnh đất của mình, yên tâm lao động sản xuất, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.
*Thứ ba: Ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vinh dự là địa phương được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là “thủ đô khu giải phóng - thủ đô kháng chiến”, Tuyên Quang có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, về nguồn. Du lịch được Đại hội XV (Nhiệm kỳ 2011 - 2015) của tỉnh xác định là 1 trong 4 lĩnh vực đột phá, đến Đại hội XVI (Nhiệm kỳ 2016 - 2020) của tỉnh xác định du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá. Tuy nhiên, trong cả hai nhiệm kỳ tỉnh chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
Từ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhận định và lựa chọn du lịch là một trong ba khâu đột phá của tỉnh: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” . Từ quan điểm đó, để thúc đẩy và phát triển du lịch, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trong đó tập trung vào 07 nội dung, cụ thể: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; Hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ mua nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch.
Hỗ trợ đội văn nghệ phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà truyền thống của dân tộc thiểu số; xây dựng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; mua, đóng mới tàu cao tốc, tàu chở khách du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; Hỗ trợ chi phí đào tạo nghiệp vụ du lịch; Hỗ trợ sản xuất mẫu sản phẩm lưu niệm mới phục vụ du lịch.
Homestay – Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đạt OCOP 3 sao
Nguồn: Trang TTĐT Nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang
Với những bước đi vững chắc, có kế hoạch, sự kịp thời của Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 và nhận được sự đồng thuận của nhân dân; từ sự chủ động, tích cực triển khai các biện pháp kích cầu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của tỉnh, với nỗ lực chống dịch hiệu quả, Tuyên Quang đã duy trì được “vùng xanh" an toàn. Khi dịch được kiểm soát, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thu hút khách du lịch. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Chương trình khai mạc “Năm du lịch Tuyên Quang” và “Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ I” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục “Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn nhất Việt Nam”.
Vinh dự về với Tuyên Quang khi đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, Lễ hội Thành Tuyên. Đặc biệt, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình duy nhất của Việt Nam, đứng thứ 5/11 công trình của Châu Á đạt giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á - tinh hoa của núi rừng” . Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển du lịch đã được thực hiện và bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan, Tuyên Quang đã phối hợp cùng các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn tổ chức những chương trình kết nối liên vùng qua đó giúp mỗi địa phương có cơ hội để quảng bá những thế mạnh về du lịch.
Năm 2021 du lịch Tuyên Quang thu hút trên 1,6 triệu lượt khách; năm 2022 thu hút được trên 2,3 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 2.400 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021 . Những sự kiện văn hóa quan trọng được đầu tư tổ chức thu hút đông sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước cùng những cách làm du lịch hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho nhân dân. Nguồn lợi từ phát triển du lịch nông nghiệp được ghi nhận tăng 1,5 lần so với làm nông nghiệp đơn thuần.
Giờ đây những Homestay, những cách làm du lịch cộng đồng đã không còn xa lạ với bà con. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, được học tập kinh nghiệm và có sự sáng tạo trong cách làm nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với thế mạnh của địa phương, du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, các sản phẩm du lịch sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Với nguồn lao động tại chỗ, tay nghề khéo đã giúp du lịch trở nên đa dạng hơn, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng du khách bởi cách làm hay, sáng tạo và mang đậm dấu ấn riêng của Tuyên Quang - nơi vẻ đẹp hội tụ.
Thứ tư: Ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/08/2019 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ và mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Trước thực trạng tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi còn thấp, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa hiệu quả, ngày 10/12/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 73-NQ/TU và thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục mầm non có mặt còn hạn chế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/08/2019 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, trong quá trình đại biểu HĐND các cấp tiến hành công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, nhận thấy: cử tri có nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị với đại biểu HĐND là cần phải có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ trẻ được ăn trưa tại trường, qua đó tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường. Thực tế cho thấy, tháng 11/2020 tỷ lệ trẻ nhà trẻ được ăn trưa tại trường vẫn còn thấp, chỉ đạt 89,7%, 10,3% tổng số trẻ nhà trẻ chưa được tổ chức ăn trưa tại trường (tương đương 1.229 trẻ); 65/592 điểm trường lẻ chưa tổ chức nấu ăn trưa cho trẻ; gần 1600 trẻ mầm non (chiếm 2,9%) phải tự mang cơm đến trường, không đảm bảo dinh dưỡng.
Từ nguyện vọng chính đáng của cử tri và kịp thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”, “Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ học mầm non ngoài công lập và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ và mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo cơ chế và động lực mạnh mẽ để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và huy động tỉ lệ trẻ đến trường.
Tính đến ngày 17/4/2023, qua hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết 05, toàn tỉnh có 51 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (4 trường mầm non và 47 nhóm trẻ độc lập tư thục), tăng 33 cơ sở so với trước khi ban hành Nghị quyết. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ngoài công lập đạt 9,2%, tăng 3,4% (tăng gần 2 lần) so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết. Các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập của tỉnh đã hỗ trợ rất tích cực cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Đặc biệt là trong thời gian các cơ sở phải dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, chính sách hỗ trợ kinh phí trả lương cho giáo viên ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở tư thục và người lao động. Đến nay, chưa có cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nào trên địa bàn tỉnh phải giải thể do dịch COVID-19.
Thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 tính đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh huy động được 669 nhóm trẻ với 13.698/30.008 trẻ nhà trẻ, đạt tỉ lệ 45,6%, 100% trẻ nhà trẻ tại các cơ sở GDMN được chăm sóc, giáo dục theo đúng nội dung, chương trình của Bộ GDĐT, được chăm sóc y tế, kiểm tra sức khỏe định kì, được theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo quy định; tỉ lệ trẻ học 02 buổi/ngày đạt 100%; tỉ lệ trẻ được ăn trưa tại trường đạt 92,4%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 2,9%, thể thấp còi: 3,6% . Việc ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ là phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng và giáo dục trẻ, nâng cao thể lực, tầm vóc và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời đáp ứng nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong tỉnh qua các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá so sánh 2010) tăng 8,66% so với năm 2021 (kế hoạch 8,33%) - Tuyên Quang vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Kết quả đó có đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh, với sự chủ động, tích cực cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, kịp thời quyết định nhiều quyết sách quan trọng, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, năm bản lề quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phát huy những kết quả đã đạt được, thiết nghĩ HĐND tỉnh cần tiếp tục thực hiện phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND trong thực hiện ban hành Nghị quyết; Luôn luôn xuất phát từ thực tiễn cùng quan điểm “lấy dân làm gốc”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”- từ đó có những quyết sách kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, để Tuyên Quang tiếp tục có nhiều kết quả to lớn góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu: “đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc... góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Gửi phản hồi
In bài viết