Lãnh đạo Viện VKIST và Viện KIST trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc cho biết, Viện sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực nghiên cứu vi mạch bán dẫn cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc.
"Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã có thông báo tuyển dụng người sang Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để học tập. Hướng của chúng tôi có thể cử cán bộ đi học hoặc tuyển dụng những nghiên cứu sinh người Việt Nam đang nghiên cứu ở Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Các nhà khoa học được tuyển dụng sẽ vừa học, vừa làm, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật liệu và quy trình công nghệ bán dẫn. Họ là những nhân tố sau này về Việt Nam gây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương chia sẻ.
Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn, bước đầu đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Khoảng năm 2027, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc sẽ đầu tư, hỗ trợ thành lập Phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc. Được biết, việc thành lập phòng nghiên cứu mới rất tốn kém, do đó, đặt phòng nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhằm tận dụng nhân lực, máy móc, cơ sở vật chất của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Các kết quả nghiên cứu sẽ thuộc về Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương chia sẻ, đây là phòng nghiên cứu thứ 2 của Viện khi ra đời được đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, sau đó mới chuyển về Việt Nam. Phòng nghiên cứu đầu tiên là về công nghệ sinh học.
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc được Chính phủ Việt Nam thành lập theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Viện được thành lập với tầm nhìn là đơn vị nghiên cứu, cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp thành công trên thị trường, nghiên cứu ứng dụng phục vụ ngành công nghiệp chủ lực của đất nước.
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc có chín lĩnh vực nghiên cứu. Trong đó có 5 lĩnh vực đã thành lập phòng nghiên cứu, gồm: công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ năng lượng môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ tích hợp. Hiện, 4 phòng nghiên cứu chưa thành lập, gồm: Công nghệ sau thu hoạch, vật liệu tiên tiến, kỹ thuật y sinh, vi mạch, bán dẫn.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển lĩnh vực nghiên cứu vi mạch bán dẫn của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương cho biết, năm 1973, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thành lập Phòng Thí nghiệm Vật lý rắn, với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về vật liệu và công nghệ quy trình bán dẫn; phát triển công nghệ quy trình bán dẫn, cung cấp nền tảng cho các công ty; thương mại hoá các thiết bị bán dẫn và công nghệ quy trình bán dẫn…
Năm 1978, Phòng bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Samsung về vật liệu bán dẫn. Năm 2015, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thành lập Viện bán dẫn thế hệ mới. Quá trình hợp tác, phát triển, đã đưa Samsung trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn và các sản phẩm điện tử. "Đó là minh chứng cho sự thành công của một phòng nghiên cứu trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Và muốn trở thành người dẫn dắt thì không có cách nào khác là phải nghiên cứu, phát triển công nghệ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Thiện Thương cũng cho biết, theo số liệu thống kê, tỷ lệ nhập khẩu chip tháng 2/2023 của một số quốc gia châu Á thì Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 3, chiếm 11.6%. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta nghiên cứu, phát triển thì có thị trường ngay tại Việt Nam. Công đoạn Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn là thiết kế, đóng gói, kiểm tra.
Ngoài ra, lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc cho biết, Viện đang hợp tác với một công ty của Nhật Bản trong việc lắp đặt phòng kiểm thử và đóng gói tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết