Ẩn sâu trong lòng vùng đất này là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc và là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng. Nổi bật là Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc.
Thác Bản Giốc - một trong những điểm di sản thuộc CVĐCTC Non nước Cao Bằng.
“Viên ngọc” quý
Công viên địa chất tỉnh Cao Bằng được thành lập vào tháng 12-2015. Sau 3 năm thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch hành động nhằm bảo tồn các giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa..., đến tháng 4-2018, Công viên địa chất tỉnh Cao Bằng gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) của UNESCO, với tên gọi chính thức là Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.
CVĐCTC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.683km2, trải dài trên địa bàn thành phố Cao Bằng và 7 huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Tại đây có 130 điểm di sản địa chất được đánh giá là có giá trị nổi trội về địa hình, cảnh quan đá vôi đa dạng với các dãy núi hình tháp, nón, các thung lũng, hang động, hệ thống sông - hang ngầm liên thông. Cùng với đó là các hóa thạch cổ sinh, các loại hình khoáng sản... minh chứng cho lịch sử phát triển kéo dài hơn 500 triệu năm.
Bên cạnh giá trị về địa chất địa mạo, CVĐCTC Non nước Cao Bằng còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần, Khu sinh thái Phja Oắc, Phja Đén... Hệ thống 214 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng cho thấy bề dày lịch sử của Cao Bằng.
Đặc biệt, đây còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô... với hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó “Thực hành then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những thế mạnh để Cao Bằng phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch cộng đồng...
Ngoài ra, với đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) dài 333km trong đó phần lớn nằm trong khu vực CVĐCTC Non nước Cao Bằng nên rất thuận lợi trong việc hợp tác, phát triển các loại hình du lịch biên giới bằng nhiều hình thức như du lịch đỏ, du lịch bằng xe tự lái, du lịch xuồng mạo hiểm hay biểu diễn thực cảnh xuyên biên giới... Những sản phẩm du lịch độc đáo này đã làm nên sắc màu đặc trưng của “viên ngọc quý” CVĐCTC Non nước Cao Bằng.
Phát triển du lịch “xanh” và bền vững
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng du lịch “xanh” và bền vững, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng Trương Thế Vinh, yếu tố then chốt đầu tiên là phải dựa vào chính cộng đồng bản địa. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại CVĐCTC Non nước Cao Bằng đã được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế như điểm du lịch cộng đồng dân tộc Nùng Pác Rằng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa); Bản dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc); Bản dân tộc Tày Khuổi Ky xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh... Nhờ phát huy giá trị di sản kết hợp với xây dựng sản phẩm du lịch, các làng du lịch cộng đồng này đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững và tăng cường sự hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử đối với du khách.
Trong quá trình phát triển du lịch, nhiều ngôi làng đã được địa phương và các tổ chức phi chính phủ đầu tư về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch như làng hương Phja Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa) được đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, biển bảng thuyết minh; một số gia đình được hỗ trợ làm homestay, cải tạo mái nhà âm dương, nhà vệ sinh; bà con được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, làm clip quảng bá điểm đến. Làng đá cổ Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) được đầu tư xây dựng 1 ngôi nhà văn hóa cộng đồng, xây cầu vào làng, 14 hộ được hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, lối đi...
Với 130 điểm di sản địa chất, cảnh quan, văn hóa - lịch sử được chia thành 22 cụm, hiện nay, tại CVĐCTC Non nước Cao Bằng đã hình thành và đưa vào khai thác 4 tuyến du lịch mang lại hiệu quả cao. Đó là các tuyến: “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”, “Hành trình về nguồn cội”, “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” và “Một thời hoa lửa”. Tại các tuyến du lịch này, du khách có thể trải nghiệm hơn 60 điểm tham quan được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn gồm biển thông tin, chỉ dẫn; pano quảng bá, bãi đỗ xe, điểm dừng chân ngắm cảnh...
Sự hình thành 4 tuyến du lịch nói trên giúp các tour tuyến được tổ chức một cách bài bản, tăng thời gian lưu trú và cơ hội trải nghiệm cho du khách. Song song với đó, các nhà hàng, homestay, khách sạn, làng nghề... trong vùng CVĐCTC cũng trở thành những “đối tác” hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của CVĐCTC Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch “xanh” và bền vững, đưa nơi đây thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, độc đáo.
Gửi phản hồi
In bài viết