Đây cũng là quan điểm được Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng trong năm 2024, toàn ngành phải bước vào cuộc đổi mới lần thứ 2 - phát triển hạ tầng số…
Dịch vụ 5G được các nhà mạng thử nghiệm tại nhiều địa phương trong cả nước.
Ở lần đổi mới thứ nhất từ những năm 1990, ngành Viễn thông Việt Nam đã thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi từ công nghệ analog sang kỹ thuật số, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia có ngành viễn thông phát triển tiên tiến trên thế giới. Điều này cũng đặt nền móng quan trọng cho quá trình phổ cập dịch vụ viễn thông, đặc biệt là di động tới mọi người dân.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ngành viễn thông toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã, đang đứng trước những thách thức lớn, đó là doanh thu, lợi nhuận liên tục suy giảm. Bởi, khách hàng thay vì thực hiện cuộc gọi thoại, gửi tin nhắn thông thường (có cước phí) đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng OTT xuyên biên giới (miễn phí và chỉ trả cước data theo gói). Doanh thu chung của toàn ngành và các nhà mạng từ chỗ tăng trưởng 2 con số, giờ chỉ còn dưới 5%, thậm chí có nhà mạng không tăng trưởng… Thực tế này đòi hỏi toàn ngành và các nhà mạng phải thực hiện đổi mới có tính chất căn bản, đột phá.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024, toàn ngành sẽ phải thực hiện những chuyển dịch quan trọng. Trong đó, phải chuyển dịch từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã định nghĩa về hạ tầng số Việt Nam gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Theo đó, hạ tầng số thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nội dung này cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là chủ đề hành động trong năm nay: “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động”.
Quan điểm này cũng đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các nhà mạng lớn cũng là các doanh nghiệp nhà nước lớn như Viettel, VNPT, MobiFone cần coi trọng “nghề” của mình là làm hạ tầng. Đó vừa là lợi thế cạnh tranh vừa là sứ mệnh. Theo đó, các nhà mạng cần chi đầu tư cho hạ tầng chiếm 15-20% doanh thu, và khi triển khai công nghệ mới như 5G thì đầu tư cho hạ tầng phải ở mức 20-25% doanh thu.
Trung tâm dữ liệu và đám mây được coi là những thành phần quan trọng của hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc, một điểm quan trọng trong năm 2023 là Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông sửa đổi. Việc này vô cùng quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương về phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, từ đó tạo nền tảng cho kinh tế số, xã hội số; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý mới về viễn thông phù hợp với xu thế về chuyển đổi số. Luật đã bổ sung quản lý đối với 3 dịch vụ: Trung tâm dữ liệu, đám mây và OTT theo hướng quản lý nhẹ và mở.
Về phía các doanh nghiệp viễn thông, trong thời gian qua, các nhà mạng đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng trung tâm dữ liệu. Trong đó phải kể đến Tập đoàn VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) Hòa Lạc (tháng 10-2023), được coi là lớn nhất và hiện đại nhất đến thời điểm này. Trước đó, trong năm 2022, các doanh nghiệp Viettel, CMC, VNG cũng đã đưa vào hoạt động các IDC hiện đại vào hoạt động. Dự kiến, trong năm nay, Tập đoàn FPT cũng sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động IDC mới hiện đại nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến cáp quang biển và cáp đất liền. Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, ngoài các tuyến cáp biển sẽ khai trương trong năm nay, VNPT đang làm thủ tục đầu tư 2 tuyến cáp trên biển và đất liền để bảo đảm dung lượng kết nối internet đi quốc tế và đề phòng các sự cố trong mọi tình huống.
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT đang làm thủ tục tham gia đầu tư các tuyến cáp quang biển và đất liền để bảo đảm kết nối phục vụ khách hàng trong mọi tình huống. Ngoài ra, FPT cũng đầu tư hệ thống siêu máy tính xây dựng các hạ tầng tính toán phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cho biết MobiFone cũng sẽ sớm khánh thành IDC tại Hòa Lạc phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước nên có những chính sách quản lý lâu dài trong việc cùng với các nhà mạng trong nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới chia sẻ phí hạ tầng để bảo đảm bình đẳng trong hoạt động cung cấp dịch vụ... Quan điểm này trước đó cũng được nhiều nhà mạng trong nước đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về triển khai dịch vụ 5G, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, Viettel đã chuẩn bị cho 5G từ sớm và đội ngũ nghiên cứu của Viettel cơ bản tự chủ động sản xuất được từ thiết bị vô tuyến, mạng lõi, truyền dẫn.... Hiện, việc triển khai dịch vụ 5G chỉ chờ giấy phép để thiết lập hạ tầng. Ngoài ra, trong năm nay, nhà mạng này sẽ chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Tô Dũng Thái cũng cho biết, năm 2024 VNPT sẽ triển khai dịch vụ 5G như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam chia sẻ, ngoài việc tham gia đấu giá lấy giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 5G thì MobiFone cũng tính tới phương án dùng chung hạ tầng 5G để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kinh doanh…
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc, Cục Viễn thông cũng đã nhận thức rõ về tầm nhìn phát triển viễn thông Việt Nam trong những năm tới, đó là chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, chuyển từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế. Cục Viễn thông sẽ làm rõ nội hàm hạ tầng số phổ cập, siêu lớn, siêu rộng, thông minh, bền vững, xanh, an toàn, digital hub và tháng 5 sẽ công bố khái niệm, nội hàm này.
Gửi phản hồi
In bài viết