Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: Việt Đức/TTXVN
Đó là nhận định của Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại sứ Julien Guerrier, tại Phiên thảo luận về thúc đẩy bình đẳng giới - cam kết quốc tế và các giải pháp của Việt Nam trong thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp, do Bộ Tư pháp phối hợp Phái đoàn EU và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức ngày 6/5, tại Hà Nội.
TTXVN dẫn lời Đại sứ Julien Guerrier nêu rõ, các quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm bình đẳng giới được Nhà nước Việt Nam củng cố trong các đạo luật quan trọng, như Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi năm 2022. Các chương trình và kế hoạch hành động quốc gia đã được ban hành để thực hiện các quy định của pháp luật.
Trưởng Phái đoàn EU nhận định, những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, như tỷ lệ đại biểu nữ trong Hội đồng nhân dân, trong Quốc hội cao hơn, số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp cũng tăng. Công tác giáo dục trẻ em gái và chăm sóc sức khỏe phụ nữ có nhiều tiến bộ.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cũng cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường và hỗ trợ hệ thống tư pháp, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam được đánh giá cao về những cam kết trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết