Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phát biểu tại Phiên họp đặc biệt lần thứ 7 của Hội đồng Chấp hành UNESCO ngày 15/3.
Trong hai ngày 15 và 16/3, Hồi đồng Chấp hành UNESCO tổ chức phiên họp đặc biệt lần thứ 7 về “Tác động và hệ lụy tình hình Ukraine đến các lĩnh vực thẩm quyền của UNESCO”.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, như đại dịch Covid-19, sự bất bình đẳng, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền và biến đổi khí hậu. Do vậy, vai trò của UNESCO càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, những bài học của Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng như chính lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, bảo đảm luật pháp quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và tin cậy lẫn nhau có ý nghĩa then chốt cho duy trì hòa bình và ổn định trên khắp thế giới. Việt Nam cho rằng, cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định, là một đất nước đã bị tàn phá qua hàng thập kỷ chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết chiến tranh và xung đột chỉ đem lại đau thương, mất mát cho người dân và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến mọi mặt của đời sống của những quốc gia liên quan trực tiếp cũng như các quốc gia khác. Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên hợp quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2/2022.
Đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại Phiên họp đặc biệt lần thứ 7 của Hội đồng Chấp hành UNESCO ngày 15/3.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nói: Việt Nam cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất cho dân thường, nhất là trẻ em, thanh niên, sinh viên, giáo viên, nghệ sĩ, các nhà khoa học, nhà báo. Cần bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở dân sự như trường học, các khu tưởng niệm, các công trình văn hóa, thông tin truyền thông theo luật nhân đạo quốc tế. Cũng cần bảo vệ các di sản văn hóa dưới mọi hình thức để bảo tồn cho các thế hệ mai sau phù hợp với Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Công ước 1972 về di sản thế giới và Công ước 1954 bảo vệ tài sản văn hóa trong xung đột vũ trang và hai hiệp định thư liên quan.
Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan tâm của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên, gia tăng các nỗ lực viện trợ nhân đạo cho dân thường. Chúng tôi cho rằng cần bảo đảm an toàn, an ninh và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả các công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine, bao gồm cả những người Việt Nam tại đây, không phân biệt đối xử về nguồn gốc, chủng tộc, quốc tịch hay tộc người.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, UNESCO có thể phát huy vai trò gắn kết và thúc đẩy các nỗ lực mang tính nhân văn. Việt Nam đánh giá cao Tổng Giám đốc và Ban Thư ký UNESCO đã phản ứng kịp thời trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giáo dục, văn hóa, thông tin và truyền thông.
Việt Nam hoan nghênh đề xuất UNESCO triển khai chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong các lĩnh vực thẩm quyền của mình. Với thế mạnh đặc trưng vốn của mình, UNESCO có thể đi đầu các nỗ lực điều phối quốc tế hỗ trợ việc phục hồi và tái thiết văn hóa, di sản và giáo dục bị tác động bởi xung đột. Những kinh nghiệm thành công ở Syria, Libya, các sáng kiến điển hình như “Làm sống lại tinh thần Mosul” và “Li Beirut” là minh chứng sinh động cho sức mạnh chữa lành và tái thiết của UNESCO.
UNESCO được ra đời với niềm tin rằng hòa bình và an ninh cho tất cả các quốc gia và các dân tộc sẽ được thúc đẩy khi sự kém hiểu biết, nghi kị và mất lòng tin được thay thế bởi giáo dục, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và lòng bao dung. Suốt 75 năm qua, thông qua thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, UNESCO đã trở thành đại diện của lương tri và trí tuệ của nhân loại.
Gửi phản hồi
In bài viết