Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết đối với Công ước 2005

Ngày 11/2, tại Lễ khai mạc Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2005 của UNESCO ở Paris (Cộng hòa Pháp), Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết đối với Công ước 2005.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Lễ khai mạc của Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2005 của UNESCO về bảo tồn và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (gọi tắt là Công ước 2005) đã diễn ra tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)

Tham dự có các Bộ trưởng Văn hóa, Đại sứ bên cạnh UNESCO, đại diện các Ủy ban quốc gia UNESCO, các đầu mối quốc gia tham gia Công ước 2005 và đại diện nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp với tư cách là 1/24 quốc gia thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước.

Phát biểu tại Kỳ họp, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, trong bối cảnh tràn đầy khát vọng và quyết tâm bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời giữ vai trò ngang bằng với chính trị, kinh tế và xã hội.

Đề cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong năm 2024 trên lĩnh vực văn hóa, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa, tăng cường đầu tư cho văn hóa và tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với tổng số vốn đầu tư lên tới 122.250 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD).

Bên cạnh đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-Tg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những động lực mới thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh thông tin về các lĩnh vực Việt Nam kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế trong thời gian tới. Cụ thể: tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; lồng ghép các vấn đề về phát triển văn hóa và sáng tạo văn hóa trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hợp tác phát triển quốc tế và xây dựng hệ thống thu thập và tích hợp dữ liệu quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định, trong kỷ nguyên số với sự bùng nổ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác mạnh mẽ trong việc phát triển và quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo trong môi trường số một cách phù hợp, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2005 diễn ra từ ngày 11-14/2/2025. Đây là phiên họp thường niên nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy thực thi Công ước.

Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước nhiệm kỳ 2021-2025. Trong khuôn khổ thực thi Công ước này, 3 thành phố của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đó là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục