Đến nay, ông đã có 4 tập truyện ngắn gồm Vịt ống - Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, Chiếc ba toong khảm bạc - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Chuyện của rừng, Thủ thỉ bên dòng suối - Nhà xuất bản Hội nhà văn; 2 cuốn tiểu thuyết Nẻo tình - Nhà xuất bản Văn học, Những bông hoa rừng - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1 tập thơ Gọi hứng và 1 tập bút ký Dọc miền đất nước do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành.
Các tác phẩm của Nguyễn Đình Lãm sở hữu những lời thoại hóm hỉnh, rất “đời”, đó có lẽ là điều “cuốn” người đọc dễ dàng đi hết từ trang viết này đến trang viết khác, hết tác phẩm này đến tác phẩm khác của ông. Ông không viết về điều gì lớn lao, to tát, chỉ là những câu chuyện thường nhật trong cuộc sống nhưng bằng lối dẫn dắt, phát triển câu chuyện rất duyên, rất tự nhiên.
Mặc dù tự nhận là một người kỹ lưỡng trong lao động chữ nghĩa, nhưng mạch văn của ông lại luôn tạo cảm giác nhẹ nhàng và thông điệp ông gửi gắm qua các tác phẩm của mình luôn mang tâm thế lạc quan, tích cực. Chân phương mà không nhạt, ông thủ thỉ kể về những chuyện đã gặp, đã thấy, đã chứng kiến trong suốt cuộc đời phong phú, sinh động của mình, bằng một góc nhìn rất riêng, rất tình cảm.
Với những năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, ông từng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cùng nhiều giải thưởng viết về đề tài người giáo viên nhân dân, đề tài du lịch, nông nghiệp nông dân nông thôn... Nhưng có lẽ mảng đề tài ông tập trung viết nhiều hơn cả là cuộc sống của người dân nông thôn. Với một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, con người và cuộc sống, ông bảo, mạch nguồn ấy, khai thác cả đời cũng không bao giờ vơi cạn. Năm 2012, tiểu thuyết Nẻo tình của ông đã đạt giải khuyến khích của Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết