Vụ mùa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm

- Từ tuần đầu tháng 9, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung huy động phương tiện, nhân lực xuống đồng thu hoạch lúa mùa và khẩn trương gieo trồng cây vụ đông và chăm sóc, bảo vệ trà lúa đặc sản cuối vụ. Mặc dù đầu vụ sản xuất có khó khăn song vụ lúa mùa năm nay vẫn là vụ thắng lợi, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các vụ sau.

Chủ động, ứng phó kịp thời trong sản xuất

Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng có những diễn biến bất thường, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động của thời tiết. Lường trước những khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từ rất sớm, ngoài việc lựa chọn cơ cấu giống phù hợp; tuân thủ khung thời vụ, cần đặc biệt coi trọng và công tác phòng chống các đối tượng sâu, bệnh hại từ sớm, từ xa để bảo vệ sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian làm đất, gieo cấy lúa mùa, nắng nóng kéo dài, nguồn nước trong các hồ chứa bị cạn kiệt đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy. Trước tình hình đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện mọi giải pháp để đưa nước lên đồng, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy.

Cánh đồng xã Cấp Tiến (Sơn Dương), cách đây gần 3 tháng, nắng hạn kéo dài thiếu nguồn nước sản xuất. Nhưng với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền xã, HTX và sự cần cù chịu khó của người nông dân trong việc đưa nước vào cánh đồng, sản xuất nhanh chóng được thực hiện nên vụ mùa ở Cấp Tiến vẫn giành thắng lợi.

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn).

Bà Nguyễn Thị Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến cho biết, mặc dù năm nay sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là sau đợt nắng hạn nhưng lúa mùa của gia đình  vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Do thực hiện bằng cơ giới hóa nên hơn 3 sào cấy giống BC15, gia đình bà chỉ gặt trong buổi sáng là xong. Năng suất bình quân đạt trên 200kg/sào.

Cánh đồng của các xã Hoàng Khai (Yên Sơn), Hòa Phú (Chiêm Hóa) giai đoạn làm đất, gieo cấy cũng đối mặt với tình trạng thiếu nước. Song các địa phương chỉ đạo người dân tận dụng mọi nguồn thủy lợi, đưa nước về đồng, gieo cấy trong khung thời vụ, chăm sóc lúa đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn… nên cây lúa hầu như không bị ảnh hưởng, sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.

Theo tổng hợp từ các địa phương, trà lúa sớm, trà chính vụ đã được thu hoạch. Những diện tích còn lại chủ yếu là diện tích lúa trỗ muộn và lúa đặc sản. Nếu không có biến động nhiều về thời tiết thì đây tiếp tục là vụ mùa thắng lợi.

Bài học kinh nghiệm

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mặc dù giành thắng lợi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt song thẳng thắn đánh giá vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Ông Ma Quang Long, thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, vụ mùa năm nay là vụ mùa khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đầu vụ nắng hạn, thiếu nước làm chậm tiến độ gieo cấy, đến lúc trong giai đoạn lúa thụ phấn, vào chắc liên tiếp những đợt mưa lớn xảy ra cũng khiến cho bông lúa không được đẫy. Cùng với dịch hại sâu cuốn lá, không xuất hiện thành trà mà liên tục gối trà (tức là vừa có sâu con, vừa có sâu phát triển và vừa có sâu trưởng thành) khiến cho việc phòng trừ rất khó khăn, hiệu quả thấp.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa mùa

Còn tại xã Hoàng Khai, Trung Môn (Yên Sơn), Ỷ La, Kim Phú (TP Tuyên Quang) tình trạng lúa ma xuất hiện dày hơn trên các cánh đồng. Ông Lê Công Chàm, thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) chia sẻ, thời điểm gieo cấy, nắng hạn ảnh hưởng đến khung thời vụ, để đảm bảo sản xuất gia đình ông thực hiện gieo sạ. Khi thời tiết có mưa, lúa phát triển rất tốt, tưởng rằng sẽ chắc ăn. Vậy mà đến thời kỳ lúa trỗ bông, ngậm sữa mới phát hiện rất nhiều lúa ma. Theo ông Chàm, lúa ma rất cứng cây, cũng cho bông nhưng số hạt thóc ít, có màu hơi đen, chỉ cơn gió nhẹ hạt thóc sẽ rụng hết. Đáng ngại hơn cây lúa ma “tranh chấp” dinh dưỡng, ánh sáng khiến cho lúa thuần không phát triển được.

Vụ mùa 2023, xuất hiện tình trạng nông dân gieo cấy nhưng không chăm sóc, đây cũng là nơi tích lũy nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, trưởng phòng Kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành lúa gạo sẽ tiếp tục chịu tác động từ biến đổi thời tiết, sâu, bệnh. Để có những vụ mùa bội thu, ngoài việc chủ động trong kế hoạch, các địa phương cần phải có những giải pháp ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết. Điển hình như việc nắng hạn kéo dài, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phải khẩn trương vào cuôc huy động máy bơm, tận dụng mọi nguồn nước phục làm đất, gieo cấy.

Trên cơ sở đó, người nông dân cần thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn trong canh tác, thực hiện phòng, trừ dịch hại “4 đúng”, đúng thuốc, đúng liều, đúng thời điểm, đúng đối tượng, tráng tình trạng kháng thuốc, gối lứa, gối trà khó phòng, trừ. Những diện tích xuất hiện lúa ma, vụ xuân tới người nông dân phải thay đổi biện pháp canh tác thay vì gieo sạ, chuyển sang cấy nhằm dễ dàng nhận diện diệt trừ hiệu quả.                                               

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục