Khu rừng trồng của người dân xã Sơn Phú (Na Hang). Ảnh: Cảnh Trực
Nếu Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh có mật độ che phủ rừng lớn nhất cả nước thì Na Hang là huyện có mật độ rừng che phủ cao nhất toàn tỉnh, chiếm 71% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Nằm trên địa bàn 4 xã: Khau Tinh, Sơn Phú, Côn Lôn và Thanh Tương, Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (hay còn gọi là khu rừng đặc dụng Na Hang) là nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 42.000 ha. Tại khu bảo tồn này hiện có 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và 17 loài thực vật bậc cao. Tiêu biểu là các loài động vật nằm trong Sách Đỏ như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa... hay những cây gỗ đinh, nghiến, trai... quý hiếm hàng nghìn năm tuổi.
Đến Na Hang chắc chắn sẽ không ai muốn bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ sinh thái Tuyên Quang, được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Vãn cảnh lòng hồ, quý khách được ghé thăm thắng cảnh Quốc gia thác Pác Ban (thác Mơ), thăm thác Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Khuổi Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá khoảng 10.000 năm)... Phóng xa tầm mắt, du khách sẽ thấy núi Pác Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Tiếp đến là sừng sững chiếc “Cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước lung linh, huyền ảo...
Ruộng bậc thang Hồng Thái, nơi thu hút khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và săn mây.
Xã Hồng Thái có khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm không khí từ 80 đến 86%, được ví như Sapa hay Đà Lạt của Tuyên Quang, nhiệt độ trung bình 20 độ C. Những ai đã đặt chân đến du lịch Hồng Thái vào mùa lúa chín đều cảm nhận được sự hấp dẫn những thửa ruộng bậc thang. Cứ đến mùa hoa lê, mùa con nước đổ, mùa lúa chín, du khách lại rủ nhau về đây du lịch, khám phá, trải nghiệm không gian bát ngát của mây trời.
Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, Na Hang còn biết đến với sức hút của nền văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Mông với làn điệu Then, Sli, lượn... cùng tiếng đàn Tính, tiếng khèn, tiếng Páo dung ngân nga.
Thiếu nữ Dao Tiền bên gốc chè cổ thụ tại Hồng Thái (Na Hang).
Trong thời gian qua, huyện Na Hang đã khôi phục và duy trì lễ hội Lồng tông của người dân tộc Tày ở các xã, thị trấn; lễ hội giã cốm (xã Côn Lôn), Lễ hội Nhảy lửa của người Dao Đỏ (xã Đà Vị)... Theo thống kê, năm 2021 tuy hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng số du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Na Hang là trên 100.000 lượt người.
Kết quả đáng mừng trên cho thấy, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả. Và Na Hang luôn là điểm đến hấp dẫn, hút hồn du khách gần xa
Gửi phản hồi
In bài viết