Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Trong hai năm qua, đứng trước nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Tuyên Quang liên tiếp có sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội. Trong năm 2021, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 5,7%. Trong những tháng đầu năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 6,07% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,34%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; dịch vụ tăng 5,35%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuyên Quang luôn khẳng định là nơi có tiềm năng lớn để đầu tư kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vẫn vượt qua đại dịch để chọn Tuyên Quang làm nơi đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trên 27 nghìn tỷ đồng, bằng 55 - 61% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Hệ thống giao thông trong tỉnh được đầu tư ngày càng hiện đại.
Tỉnh đang tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình khuyến nông tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tuyên Quang đến nay vẫn giữ vững là “vùng xanh” của cả nước. Đây là điều kiện quan trọng để du lịch của Tuyên Quang tiếp tục có sự đột phá. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lượng du khách đến với Tuyên Quang vẫn tăng khá. Chỉ tính trong quý I năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 424.900 lượt khách du lịch, đạt 18,6% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 411 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ
Những năm qua, kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông. Tỉnh đã khởi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm như công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thành dự án 2 tuyến đường dọc hai bên bờ sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tỉnh đã chú trọng khảo sát, lập quy hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường có tầm nhìn chiến lược lâu dài, tạo ra liên kết vùng như tuyến đường liên kết vùng Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đường Na Hang - Ba Bể; quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Ninh Lai (Sơn Dương) đến xã Đạo Trù để kết nối với đường Tam Đảo - nút giao IC4 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh Vĩnh Phúc và tuyến đường từ khu công nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) đến xã Quang Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc kết nối với nút giao IC6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trường tiểu học và THCS Lê Văn Hiến (Sơn Dương) được đầu tư khang trang,
đáp ứng cơ bản sự nghiệp giáo dục tại địa phương.
Tỉnh cũng đã triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn từ Chiêm Hóa đến thị trấn Na Hang… Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án cầu lớn trên sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy như cầu Xuân Vân, cầu Bạch Xa, cầu Sơn Dương 2, cầu Trắng 2, cầu Chinh cũng đang được triển khai để đầu tư. Có thể thấy, kết cấu hạ tầng nhất là giao thông đã được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, coi đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, cải thiện đời sống của nhân dân các địa phương trong tỉnh. Trong một lần trở lại thăm Tuyên Quang mới đây, đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của Tuyên Quang. Nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, đường sá đi lại giờ thuận lợi quá. Nhiều công trình giao thông lớn của tỉnh đã và đang được triển khai đầu tư sẽ hứa hẹn đưa một tỉnh miền núi như Tuyên Quang bắt nhịp với sự phát triển của các tỉnh trong khu vực và cả nước”.
Khởi sắc từ nông thôn mới
Những năm qua, không chỉ diện mạo và đời sống của người dân thành thị khởi sắc, ở nông thôn, nhờ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh ở các vùng quê nông thôn và đời sống người dân nông thôn có nhiều cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí bình quân trên xã đạt 15,51 tiêu chí/xã. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nhà ở dân cư được Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp công sức xây dựng ngày càng hoàn thiện. Hết năm 2021 có 71 xã đạt tiêu chí giao thông, 121 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 118 xã đạt tiêu chí về điện, 64 xã đạt tiêu chí về trường học, 72 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, có 61 xã đạt tiêu chí về nhà ở, 58 xã đạt tiêu chí về môi trường. Toàn tỉnh có 11 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2021 thành phố Tuyên Quang - trung tâm hành chính của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh.
Những ngày cả nước sôi nổi thi đua chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp trở lại Tân Trào (Sơn Dương). Đây là xã về đích nông thôn mới sớm nhất trong tỉnh. Từ chương trình nông thôn mới, Tân Trào như có sức bật mới cho ngày hôm nay. Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã không còn hộ phải ở nhà tạm, dột nát, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 40 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ dân đã chủ động và thức thời trong phát triển du lịch, nhất là du lịch homestay. Điển hình như Làng Văn hóa Tân Lập đến nay đã có 16/17 hộ có nhà sàn truyền thống đăng ký dịch vụ homestay. Trên địa bàn xã, nhiều mô hình kinh tế và sản phẩm đặc sản đã được hình thành như mô hình trồng măng tây, dưa chuột; sản phẩm chè, rượu gạo đã đạt OCOP 3 sao, gạo Thắm Niên, mật ong rừng, trà sen Nguyễn Đào... Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án lớn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở Tân Trào cũng đang được triển khai.
Trên những chặng đường lịch sử, mảnh đất quê hương cách mạng Tuyên Quang luôn khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Đó là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang và người dân cả nước về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Gửi phản hồi
In bài viết