Xây dựng mô hình kinh tế
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở làng Chiềng, xã Yên Phú (Hàm Yên) trước đây là một trong những hộ nghèo của huyện. Năm 2014, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị Tình đã quyết định vay 70 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Khoản vay này đã giúp gia đình chị Tình có mô hình kinh tế để giảm nghèo, vươn lên.
Chị Lý Thị Chi (bên phải) thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH nuôi trâu sinh sản.
Hai năm sau, nhờ chăn nuôi thành công, chị trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay 50 triệu đồng để cải tạo vườn cây ăn quả. Hiện nay, gia đình chị Tình đang có 700 gốc cam, trên 200 gốc thanh long và phật thủ, gần 1ha chè và nuôi 3 con trâu sinh sản. Khoảng 2 năm trở lại đây, từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ những đồng vốn chính sách đó, gia đình chị Tình đã có cuộc sống khấm khá.
Anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang) cũng đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH, đầu tư nuôi trâu vỗ béo và dê nhốt chuồng. Hiện gia đình anh có thu nhập 200 triệu đồng/năm, trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ở địa phương.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 4.354 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 1.275 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt 685 tỷ đồng. Nguồn vốn đã kịp thời đến với hơn 1.000 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Có thể khẳng định, với phương thức đặc thù, riêng có trong quản lý và ủy thác nguồn vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi bà con có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Người dân thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) vay vốn Ngân hàng CSXH trồng dưa chuột liên kết.
Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo
Những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được đẩy mạnh, trong đó có đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ 2015 đến nay Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền 8.525 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 1.026 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 23.175 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 454 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường; xây dựng được 3.857 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh khẳng định, tiếp tục đồng hành với cấp uỷ, chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các chính sách tín dụng; thực hiện quy định hỗ trợ người dân là khách hàng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) được trả chậm lãi xuất theo quy định đến 31-12-2024. Chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh Ngân hành CSXH tỉnh sẽ tiếp tục ủy thác thông qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Cụ thể, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đưa ra những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa cho vay tín dụng ưu đãi với hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề, quản trị vốn vay. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán bộ khuyến nông trong hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vay vốn với mức vay tối đa để phát triển sản xuất.
Nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng đã và đang góp sức hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết