Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong một buổi hội đàm. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF) tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), chiều 17/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự, phát biểu các phiên họp quan trọng và có các cuộc tiếp xúc song phương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế Alvaro Lario đã phát biểu tại phiên thảo luận Liên minh hành động vì lương thực: đầu tư củng cố tính tự cường với sự tham dự của hơn 50 bộ trưởng các nước, lãnh đạo của các tập đoàn và tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm từ khắp các châu lục.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm bảo đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đó là coi trọng nông nghiệp, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp theo đó là các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và nông thôn; chú trọng gắn kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nhân và nhà nước; coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó tiêu biểu là hợp tác 3 bên với Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi.
Trả lời câu hỏi về cơ hội từ chuyển đổi lương thực, Phó Thủ tướng cho rằng có hai cơ hội, thứ nhất là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi năng lượng song song với chuyển đổi lương thực; thứ hai là cơ hội xây dựng quan hệ đối tác giữa nhà sản xuất lương thực và người tiêu dùng lương thực; xây dựng các cơ chế hỗ trợ người nông dân sản xuất lương thực của nhà nước, của doanh nghiệp và của giới khoa học.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi thúc đẩy mô hình hợp tác 3 bên về nông nghiệp giữa Việt Nam với các nước châu Phi và đối tác phát triển như EU, hợp tác xây dựng xây dựng Trung tâm sáng tạo về hệ thống lương thực, thực phẩm khu vực tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là diễn giả chính phát biểu tại phiên thảo luận Kết nối Lương thực-Năng lượng-Nguồn nước.
Đây là một trong những phiên thảo luận quan trọng hàng đầu tại hội nghị năm nay, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, hạn hán và lũ lụt đe dọa trầm trọng quá trình sản xuất thực phẩm và sức khỏe người dân, phiên thảo luận đã trao đổi nhiều giải pháp nhằm giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với mối quan hệ lương thực-năng lượng-nguồn nước, từ đó đề xuất các sáng kiến đột phá giải quyết khủng hoảng lương thực, năng lượng, nguồn nước và chuyển đổi sang hệ thống lương thực-năng lượng-nguồn nước bền vững, hiệu lực và thích ứng tốt hơn trong tương lai.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề lương thực, năng lượng, nguồn nước đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống; trong đó, cần thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong giải quyết mối quan hệ giữa lương thực, năng lượng và nguồn nước; gắn vấn đề hệ sinh thái-lương thực-năng lượng-nguồn nước với vấn đề biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những đóng góp của WB trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn và phát thải carbon thấp.
Phó Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, chất lượng cao cũng như tham vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý phục vụ chuyển đổi xanh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị WB thiết lập cơ chế trao đổi kinh nghiệm giữa các nước, theo đó Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các bài học sử dụng hiệu quả vốn vay trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi vị thế quốc gia từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, chuyển biến căn bản trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Tổng Giám đốc WB Axel van Trotsenburg đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa WB và Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, bao gồm trở thành nước thu nhập trung bình cao, hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tiếp Chủ tịch toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered Jose Vinals, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ tài chính, chuyên môn, quản trị điều hành để góp phần tăng cường hiệu quả, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh và bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh và đề nghị tập đoàn đóng vai trò cầu nối để giới thiệu và kết nối các nhà đầu tư Anh nói riêng và nước ngoài nói chung đến đầu tư tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn Ngân hàng Standard Chartered hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.
Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered cho biết sẵn sàng giúp Việt Nam, tư vấn kỹ thuật, tiếp tục phối hợp thực hiện các dự án thuộc Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Ông Jose Vinals nhấn mạnh tầm quan trọng của xếp hạng tín nhiệm của quốc gia và tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam để tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ngân hàng Standard Chartered tham gia đầu tư, huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ngân hàng đề xuất có thể giúp huy động vốn từ các thể chế quốc tế với vai trò là người đồng bảo trợ Liên minh đầu tư cơ sở hạ tầng hướng đến phát triển bền vững của Liên hợp quốc sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)./.
Gửi phản hồi
In bài viết