Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19,
trên một màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Chia sẻ với báo giới, ông Mahamud khẳng định đây là thông tin tích cực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến khả năng lây nhiễm cao của biến thể mới này, cho rằng, Omicron sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới mà theo ông, đây chính là mối đe dọa với những nước có tỷ lệ người chưa tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cao.
Tuyên bố của ông Mahamud cũng trùng khớp với phát hiện của một nghiên cứu mới đây tại Nam Phi dựa trên dữ liệu về tỷ lệ nhập viện và tử vong trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tại nước này cho thấy, nguy cơ bệnh trở nặng ở bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron thấp hơn so với các biến thể trước.
Tuy nhiên, ông Mahamud cũng lưu ý Nam Phi có thể là một "ngoại lệ" bởi nước này có dân số trẻ.
Ngoài ra, ông Mahamud cho rằng, còn quá sớm để đề cập đến việc có cần một loại vắc xin đặc hiệu cho Omicron hay không. Theo ông, đây là vấn đề cần có sự phối hợp của quốc tế và không nên phó mặc cho lĩnh vực thương mại tự quyết định vấn đề này.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Omicron đến nay xuất hiện tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Báo cáo đánh giá biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Tại một số quốc gia và khu vực ghi nhận nhiều các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng như Anh hay Mỹ, biến thể mới lây lan nhanh hơn đáng kể so với Delta với thời gian tăng gấp đôi số ca trong vòng chỉ từ 2-3 ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết