Trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh, chính quyền Mỹ yêu cầu người dân
đeo khẩu trang và tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Châu Á
Tình hình dịch bệnh tại Malaysia ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt 3 tuần vừa qua, trong khi số người chết vì Covid-19 cũng ở mức báo động. Trong 24 giờ qua, Malaysia có 22.242 ca mắc mới - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Singapore vừa thông báo mở rộng tiêm chủng miễn phí ngừa Covid-19 cho người thường trú ngắn hạn. Những người đủ điều kiện là những người được cấp thẻ làm việc ngắn hạn và hoặc có các loại thẻ thường trú ngắn hạn khác. Chương trình tiêm chủng này cũng được mở rộng cho những người có thẻ du lịch ngắn hạn đã ở Singapore ít nhất 60 ngày liên tục, không thể rời Singapore vì những hạn chế đi lại trên toàn cầu.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim cho biết, nước này đang xem xét biện pháp đưa học sinh quay lại học trực tiếp tại trường sau gần 1 năm rưỡi phải học trực tuyến do dịch Covid-19. Nỗ lực này nhằm giảm thiểu tình trạng giáo dục tụt hậu do học tập từ xa, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đưa trẻ em quay trở lại trường học một cách an toàn nhất.
Ông Nadiem Makarim đánh giá, việc dạy và học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến năng lực lẫn tâm lý của học sinh, không chỉ ở Indonesia, mà tại hầu hết các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện Bộ Giáo dục Indonesia vẫn chưa thể xác định hoặc đo lường mức độ ảnh hưởng này.
Tại Nhật Bản, trong 24 giờ qua, đã có 24/47 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca Covid-19 mới trong ngày cao kỷ lục. Số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mạnh với 1.716 ca, tăng 70 ca so với trước đó một ngày. Thủ đô Tokyo ghi nhận 5.386 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận ngày 13-8 vừa qua.
Châu Mỹ
Trong 2 ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã lên tới gần 1.000 ca/ngày, gấp đôi so với tuần trước và là mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đến giữa tháng 1-2022.
Chính quyền thành phố New York bắt đầu yêu cầu người dân phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi vào các nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim. Chính sách này có hiệu lực tới ngày 13-9. Những người vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 1.000 USD. Trẻ em dưới 12 tuổi được miễn trừ do không thuộc đối tượng đủ điều kiện tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Trong một diễn biến khác, Hạ nghị sĩ Mỹ Mark Pocan của đảng Dân chủ đã giới thiệu một dự luật đề xuất chuyển khoảng 9,6 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng sang những nỗ lực tiêm chủng trong bối cảnh người dân của nhiều nước trên thế giới vẫn chưa tiếp cận được với vắc xin. Hạ nghị sĩ Pocan ước tính, gần 10 tỷ USD này sẽ được sử dụng cho sáng kiến COVAX, có thể góp phần tiêm chủng cho 30% người dân tại các nước có thu nhập thấp.
Tại Haiti, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đã bị dừng lại do ảnh hưởng của động đất, cũng như việc các nhân viên y tế, trang thiết bị cùng hậu cần đang được huy động để giúp quốc gia này đối phó với những vấn đề khẩn cấp khác.
Giám đốc PAHO - bà Carissa Etienne cho biết: "Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ người dân Haiti trong thời khắc khó khăn này. Trận động đất kết hợp với đại dịch Covid-19 đang tạo ra thách thức rất lớn. Chúng tôi hy vọng, cộng đồng quốc tế có thể chung tay cung cấp những hỗ trợ cần thiết để giúp người dân Haiti".
Gửi phản hồi
In bài viết