Muỗi là vật trung gian lây nhiễm sốt rét hàng đầu.
Tên gọi của vắc xin mới được lấy từ mosquito (tiếng Anh: con muỗi). Đây là vật trung gian lây lan bệnh sốt rét trên toàn cầu. WHO khuyến nghị vắc xin mới nên sớm được tiêm cho trẻ em tại Hạ Sahara (châu Phi) cũng như những khu vực có tỷ lệ mắc sốt rét trung bình và cao.
Việc phê duyệt vắc xin sốt rét là bước đi lớn hiếm hoi trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu, và nổi bật trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc phê duyệt Mosquirix là bước đi mang tính lịch sử, bởi loại vắc xin sốt rét là thứ đã từ lâu được nhân loại mong chờ nhằm bảo vệ trẻ em.
Cho rằng đây là một “đột phá về khoa học”, người đứng đầu cơ quan y tế đa phương lớn nhất thế giới cũng khẳng định, việc sử dụng vắc xin mới kết hợp với các công cụ phòng, chống sốt rét truyền thống có thể cứu sống hàng ngàn trẻ em mỗi năm.
Theo các nghiên cứu tại châu Phi tới nay, Mosquirix - vốn không phải vắc xin mRNA - có tỷ lệ thành công trong ngăn chặn sốt rét vào khoảng 39% (29% đối với các trường hợp nặng). Mặc dù con số này có vẻ thấp, nhưng WHO tin tưởng sự kết hợp giữa vắc xin mới với màn và thuốc diệt côn trùng có thể hạn chế đáng kể thực trạng đáng buồn rằng, có hơn 260.000 trẻ em châu Phi thiệt mạng vì sốt rét hằng năm.
Dĩ nhiên, Mosquirix mới chỉ là bước đầu. Công nghệ vắc xin mRNA tiên tiến giờ đây có thể “dạy” cho cơ thể con người cách ứng phó những dịch bệnh cụ thể. Thực tế cho thấy, vắc xin R21 của trường Đại học Oxford đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng đã có thể đạt tới mức hiệu quả 77% và mức an toàn tương đối.
Gửi phản hồi
In bài viết