Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: TTXVN
Ngày 8/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có hơn 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại những quốc gia mà căn bệnh này không phải là bệnh đặc hữu.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trên thực tế đã có hơn 1.400 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay ở châu Phi và 66 ca tử vong.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lại chỉ chú ý tới bệnh đậu mùa khỉ khi căn bệnh này xuất hiện tại các nước thu nhập cao.
Dù thừa nhận một thực tế rằng nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trở nên phổ biến ở những khu vực nơi hiếm khi ghi nhận căn bệnh, song ông Ghebreyesus nhấn mạnh điều này có thể ngăn ngừa được vào thời điểm hiện nay.
Trước đó, WHO cho biết ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, ở những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Cameroon, Trung Phi, CH Congo-Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d'Ivoire và Ghana - nơi mới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ ở động vật.
Trong số 7 quốc gia đầu tiên được liệt kê, 66 ca tử vong do mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022.
WHO đã triệu tập cuộc họp trực tuyến với hơn 500 chuyên gia và 2.000 người tham gia thảo luận, chia sẻ các kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ cũng như các ưu tiên nghiên cứu.
Giới chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ và phương pháp điều trị, cũng như nghiên cứu về dịch tễ học và sự lây truyền của virus gây bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết