Sản phẩm nghề thêu Đông Cứu của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.
Đến với worksop, khách tham gia được trực tiếp trải nghiệm và hiểu thêm về tinh hoa nghề thêu long bào truyền thống của làng Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội).
Vũ Minh Tú là một bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại làng Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội). Tuổi thơ của Tú gắn liền với kim chỉ và những bức long bào đầy màu sắc do mẹ và bà thêu. Lớn lên, Minh Tú có cơ hội được học và tìm hiểu về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nên càng yêu thêm yêu nghề truyền thống của làng, đồng thời muốn giới thiệu tới đông đảo công chúng.
Nghĩ là làm, Vũ Minh Tú cùng một nhóm các bạn trẻ quyết tâm đưa thêu long bào vào… workshop mang tên Ngũ Chỉ Hoàng Kim.
Chia sẻ thêm với phóng viên, Minh Tú cho hay, Đông Cứu là một trong những số ít làng nghề hiện vẫn còn lưu giữ lối thêu cổ. Lối thêu này chủ yếu sử dụng hai kỹ thuật thêu chính là thêu chỉ và thêu kim tuyến (hay còn gọi là thêu bắt vàng). Trong đó, thêu kim tuyến là kỹ thuật thêu độc đáo, làm nên bản sắc của nghề thêu truyền thống Đông Cứu.
Sợi kim tuyến được nghệ nhân sử dụng để thêu các đường bao, đường viền của họa tiết như móng rồng, vẩy rồng, vân mây,… rồi mới được cố định vào mặt vải. Ngoài ra, thợ thêu Đông Cứu còn nổi tiếng với tài “trêu đùa” thị giác với kỹ thuật “ghệch độn”, “chênh lề”,... tạo cảm giác 3 chiều, khiến cho họa tiết nhìn ở góc độ nào cũng sinh động, hút mắt.
“Nghề thêu vốn đòi hỏi sự khéo léo, công phu. Mình rất muốn mọi người biết đến nghề nhiều hơn, được tận mắt thấy quy trình và thêm trân trọng công sức của những nghệ nhân. Nhưng nghề hiện chỉ có ở làng, nên mọi người ít có dịp trực tiếp trải nghiệm”, Minh Tú trăn trở.
Nhận thấy khoảng cách địa lý phần nào khiến nghề truyền thống khó tiếp cận cư dân thành thị, các thành viên đã có nhiều chuyến đi thực tế, khảo sát tại làng Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) để tái hiện làng nghề ngay trong nội thành Hà Nội.
May mắn thay trong hành trình “biến phố hoá làng”, các bạn có được sự hỗ trợ của “nghệ nhân nhân dân” Vũ Văn Giỏi - “cánh chim đầu đàn” trong việc phục dựng trang phục cung đình. Không chỉ chia sẻ với các thành viên “Trường làng trong phố” về những kỹ thuật sử dụng trong lối thêu cổ, nghệ nhân Giỏi còn tới chia sẻ tại buổi workshop với ước mong mang tới “đất sống” mới cho nghề thêu truyền thống.
“Tôi hướng dẫn mọi người tổng quan về kỹ thuật thêu trước, sau đó khách mời sẽ tự do sáng tạo theo sở thích của mình”, nghệ nhân Giỏi giới thiệu.
Sau khi được nghệ nhân chia sẻ về các kỹ thuật thêu, khách mời bắt tay vào thực hiện sản phẩm của mình. Nhiều khách mời đã dồn công sức, tình cảm cho tác phẩm ứng dụng thêu Đông Cứu đầu tay của mình. Nhiều bạn trẻ còn thể hiện hoa tay của mình cho ra đời nhiều mẫu thêu như hình quốc kỳ Việt Nam, đầu rồng, bông hoa,... đẹp mắt.
Có mặt tại workshop “Ngũ Chỉ Hoàng Kim”, bạn Ngô Quang Đức, sinh viên năm ba Trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm bộ môn này nhưng tôi cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Dù chỉ là những đường thêu đầu tay còn nhiều vụng về nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã phần nào góp phần gìn giữ lối thêu cổ của dân tộc.”
Điểm đặc biệt của “Ngũ Chỉ Hoàng Kim” cũng như các sự kiện khác do “Trường làng trong phố” tổ chức nằm ở việc kết hợp mô hình du lịch “tại chỗ” (staycation). Những năm gần đây, du lịch “tại chỗ” đã thu hút sự quan tâm của không ít người dân bởi hoạt động này không chỉ có được tối ưu về mặt thời gian, tiền bạc mà còn đem đến trải nghiệm du lịch, văn hoá đầy sinh động ngay tại địa phương.
Với nỗ lực đưa “làng” về gần với “phố”, các bạn trẻ không chỉ tái hiện không gian đậm màu văn hoá của từng làng nghề tại các buổi workshop mà còn mời đến các nghệ nhân đại diện cho làng nghề.
“Mô hình du lịch văn hoá ngay trong nội thành Hà Nội như “Trường làng trong phố” hướng tới giúp cho những người đi làm như mình có cơ hội được “chữa lành” mà không mất quá nhiều thời gian và chi phí di chuyển. Một điểm thú vị nữa là mình được khám phá những làng nghề mà bản thân mình trước đây đã bỏ lỡ”, bạn N.Minh, từng tham gia workshop chia sẻ.
Làm ra một sản phẩm truyền thống đã khó, để sản phẩm đó sống với thời gian lại càng khó hơn. Với sứ mệnh lưu giữ và phát triển triển làng nghề truyền thống, “Trường làng trong phố” đã góp phần thu hẹp khoảng cách địa lý với những người yêu thích nghệ thuật thêu Cung đình nói riêng và các sản phẩm truyền thống nói chung.
Được biết, workshop “Ngũ Chỉ Hoàng Kim” là sự tiếp nối từ thành công sự kiện “Chân cỏ điếm hoa” được ”Trường làng trong phố” tổ chức cuối tháng 7 vừa qua. Đây là một trong nhiều dự án được các bạn trẻ yêu văn hoá từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội chung tay thực hiện. Sắp tới đây, các hoạt động chuẩn bị cho dịp lễ Trung Thu sẽ tiếp tục được nhóm triển khai, hứa hẹn là điểm đến văn hoá - xã hội - nghệ thuật không thể bỏ lỡ mùa thu này!
Gửi phản hồi
In bài viết